Báo động từ bãi khai thác vàng Nậm Mộ

QĐND - Sau hơn một năm trở lại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), điều khiến chúng tôi sửng sốt nhất là dòng Nậm Mộ đã trở nên tan hoang, đôi bờ đất đá nham nhở. Cả một đoạn sông náo động bởi tiếng các loại động cơ hoạt động hết công suất, bởi tiếng người chửi bới, tranh giành vị trí khai thác vàng sa khoáng.

“Đỏ” thì bạc triệu, “đen” thì công cốc... Chúng tôi về bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm nơi có bãi sông Nậm Mộ đang tập trung một lượng lớn người và phương tiện tham gia khai thác vàng sa khoáng. Dọc đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chiếc tàu lớn đang khai thác vàng trên sông. Được biết, đây là tàu khai thác vàng của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Long được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép hoạt động. Dựng chiếc xe máy ở ven Quốc lộ 7A, chúng tôi xuống một bãi khai thác vàng tại bản Na Lượng. Từ xa đã nghe tiếng nổ inh ỏi của các loại động cơ... Một vùng bãi sông có diện tích khoảng 1000m2, mà có tới 15 chiếc máy khai thác vàng đang hoạt động. Cùng với đó là hệ thống dây điện, vòi dẫn nước giăng mắc ngổn ngang. Tại khu vực này, có hàng trăm chiếc hố với đường kính hơn 3m, độ sâu từ 5 đến 10m do những người đào đãi vàng xới tung rồi không chịu lấp lại và trở nên rất nguy hiểm đối với người, gia súc qua lại. Anh bạn cùng đi vốn là “thổ địa”, lấy lý do dẫn những giáo viên trẻ vừa đến Kỳ Sơn công tác đi tìm mua đất định cư, nên chúng tôi có điều kiện tiếp cận các “phu vàng”. Những “phu vàng” chủ yếu là dân địa phương tự phát thành lập các tổ khai thác (từ 10 đến 15 người/tổ), chung tiền mua máy đãi vàng rồi chia nhau thành quả sau mỗi ngày đào xới, moi ruột lòng sông. Quy trình khai thác của các “phu vàng” cũng khá đơn giản, trước hết là mua máy bơm có công suất kha khá, dùng cuốc, xuổng đào thành các hố sâu hoặc khoét vào bờ sông lấy đất đá để đãi tìm vàng. Những chiếc máy bơm công suất lớn bơm nước trực tiếp vào các vách hố, lực nước mạnh từ vòi rồng phun ra làm quá trình xói lở các vách hố diễn ra nhanh hơn, đồng thời hạn chế được sức người trong việc đào đãi. Hỏi chuyện một “phu vàng” đang đứng máy, anh này cho biết thu nhập từ việc đào đãi vàng rất vô chừng, có ngày gặp “vận đỏ” thì “nhặt” được tiền triệu, gặp “vận đen” thì mấy ngày chẳng được đồng xu nào, lại lỗ tiền xăng dầu nữa. Rời khỏi bãi vàng, chúng tôi hướng về phía cầu Xốp Nhị. Từ cây cầu này, nhìn ngược lên dòng Nậm Mộ thấy nước sông một màu đỏ quạch, lòng sông bề bộn cơ man nào là sỏi đá do việc khai thác vàng để lại. Từ xã Hữu Kiệm, qua thị trấn Mường Xén đến xã Tà Cạ, men theo con đường dọc sông đi vào bản Cánh-nơi vừa khởi công thủy điện sông Nậm Mộ-cũng thấy vô số lều bạt của những người khai thác vàng. Ở đoạn này, sông chảy giữa hai vách núi không có bãi bờ nên các “phu vàng” ra sức khoét sâu vào vách núi thành những cái hang khổng lồ và tuồn ra lòng sông vô vàn đất đá... Chính quyền vào cuộc, nhưng... Sở dĩ tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra với quy mô lớn trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn là do thời gian qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Long cho một số tàu lên khai thác vàng, người dân sợ gây sạt lở và lũ quét, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh nên tìm cách ngăn chặn. Ngăn chặn không được, người dân lấy cớ sông núi là của cha ông bao đời, nay có người đến khai thác vàng, cớ gì mình không được khai thác. Thế là các hộ gia đình trong xã chung tiền mua sắm máy móc và cùng nhau ra sông đãi vàng, trở thành những “phu vàng” trái phép. Anh bạn cùng đi với chúng tôi cho biết: So với 10 năm trước, bờ sông ở đoạn này đã tiến vào từ 30 đến 50m, làm mất hẳn vùng bãi bồi trước đây dân bản dùng trồng rau màu. Nhìn xuống lòng sông thấy một dải ngổn ngang đá sỏi, được đùn thành đống, thành bờ gây biến đổi dòng chảy và có nhiều đoạn dòng nước xói thẳng vào mép đường vừa mở phía tả ngạn. Nguy cơ sạt lở, đứt gãy tuyến đường nói trên là khó tránh khỏi, nhất là khi có mưa lũ. Đem vấn đề trên trao đổi với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Lượng, Phó chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Việc khai thác vàng trái phép của người dân địa phương trên sông Nậm Mộ là có thật. UBND huyện đã có công văn gửi các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm và Tà Cạ, đồng thời thành lập đoàn công tác liên ngành tiến hành việc đẩy đuổi, tịch thu máy móc nhưng hiện vẫn chưa có kết quả như mong muốn”. Nói rồi, ông Nguyễn Hữu Lượng đưa chúng tôi xem kết luận của ông Mùa Nỏ Xử-Phó chủ tịch UBND huyện về việc xử lý khai thác vàng trái phép (số 21/TB-UBND), trong đó có đoạn: “Do việc khai thác vàng trái phép nên đã gây mất ổn định trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong khu vực, nảy sinh các tệ nạn xã hội. Đồng thời việc khai thác vàng trái phép của các cá nhân là vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên, khoáng sản...”. Như vậy, chính quyền địa phương đã nhận rõ tình hình mất ổn định về an ninh, vi phạm quy định của Nhà nước và nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhưng tại sao vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả? Liệu có cần xem xét lại quy trình, tọa độ khai thác và việc giải quyết hiện trường sau khi khai thác của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Long? Trên đường rời huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, từ trên xe khách nhìn xuống chúng tôi vẫn thấy dòng Nậm Mộ oằn mình bởi tiếng gầm rú của động cơ, bởi hàng trăm chiếc vòi rồng, cuốc thuổng đang ra sức moi ruột dòng sông Nậm Mộ. Bất chợt chúng tôi nhớ tới câu nói của anh bạn cùng đi lúc chia tay: “Khi bị khai thác quá mức chịu đựng, dòng sông sẽ nổi giận và lúc đó hậu quả sẽ khôn lường”. Rất mong chính quyền các cấp của huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An sớm có biện pháp ngăn chặn, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Bài và ảnh: Công Kiên

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/126971/Default.aspx