Báo động tình trạng tội phạm 'cộm cán' điều hành doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói như vậy tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Q.H

Tội phạm “có số”, “cộm cán” lại điều hành doanh nghiệp

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2016, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm đã được kiềm chế, giảm đáng kể.

Từ ngày 1.10.2015 - 31.7.2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố, điều tra 1.165 vụ án kinh tế và tham nhũng, 1.794 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, ít hơn cả số vụ và số bị can so với cùng kỳ năm 2015.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng nhận định như báo cáo là đúng tình hình thực tế. Đơn cử như vi phạm Luật Giao thông là tràn lan, phổ biến.

Về diễn biến tình hình tội phạm, ông Lâm nhấn mạnh là còn phức tạp. Đáng lưu ý, theo thống kê cho thấy tội phạm ngày càng trẻ hóa, đối tượng từ 18-30 tuổi chiếm đến 78%, trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên. Ông Lâm cho rằng, có hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm rất nhanh. Có những vùng thôn quê yên ả vừa qua tội phạm băng nhóm tập trung đến cả trăm người rồi sử dụng hung khí. Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng phần lớn đối tượng này đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thiếu gương mẫu, bạo lực gia đình...”.

Nói về tội phạm trong doanh nghiệp, việc có ý kiến cho rằng công an hình sự hóa quan hệ kinh tế, ông Lâm nhấn mạnh: Có tình trạng đáng báo động, loại tội phạm hình sự “cộm cán, có số” lại điều hành doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như khai thác mỏ, san lấp mặt bằng, khai thác vận chuyển cát, đá sỏi,... Có doanh nghiệp lập ra nhưng dưới trướng tụ tập đàn em đi đe dọa giành giật thị trường, bắn giết nhau.

Hay trong lúc đời sống khó khăn thì đang phát triển “tín dụng đen” cho vay nặng lãi, rồi cho “tay chân” đi đòi nợ cướp đất, cướp nhà. Các tội liên quan gian lận thương mại, trốn thuế... chính là các doanh nghiệp vi phạm.

Băn khoăn về những khoảng trống trong luật pháp. Ông Lâm cho rằng, việc quy định từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý thì rất khó, dẫn đến có loại ăn cắp cứ 1,8 hay 1,9 triệu đồng là không bị xử lý.

Dân sợ bị trả thù không dám tố cáo...

Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh đến một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Về kê khai tài sản, thu nhập, báo cáo nêu rõ: Theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỉ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm. Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.

Nói về nguyên nhân của việc này, bà Nga nhấn mạnh: Một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám đứng lên tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Cho ý kiến về việc cần thiết phải kê biên tài sản đối với tội phạm tham nhũng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ nói: Đề nghị Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, đặc biệt là Bộ Công an ngay sau khi khởi tố bị can phải áp dụng Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại để kê biên tài sản đối với đối tượng tham nhũng. Hiện nay tôi thấy rằng, việc áp dụng biện pháp kê biên không nhiều trong các vụ án tham nhũng, cho nên, trong thời gian đó đối tượng đã kịp tẩu tán tài sản.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, báo cáo việc kê khai tài sản cơ bản đạt 100% (99,1%), nhưng lại đánh giá việc kê khai còn mang tính hình thức. Rõ ràng đó mới là số lượng, còn chất lượng thế nào, không biết kê khai có đúng không thì chưa nêu rõ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/bao-dong-tinh-trang-toi-pham-com-can-dieu-hanh-doanh-nghiep-594308.bld