Báo động tình trạng thiếu ý thức nơi công cộng

Thời gian qua, dù ngành chức năng tại Đà Nẵng đã tăng cường công tác quản lý bảo vệ tại các điểm tham quan, di tích, lịch sử công cộng trên địa bàn, nhưng tình trạng xâm hại di tích vẫn tiếp tục tái diễn. Gần đây nhất, thông tin về 2 bức tranh được xác nhận là cặp tranh phong cảnh biển vẽ bằng sơn acrylic trên toan lớn nhất Việt Nam chỉ vài ngày sau khi ra mắt đã bị mọi người vẽ bậy nham nhở gây bức xúc cho mọi người.

 Hai bức tranh vừa được xác nhận là cặp tranh phong cảnh biển vẽ bằng sơn acrylic trên toan lớn nhất Việt Nam.

Hai bức tranh vừa được xác nhận là cặp tranh phong cảnh biển vẽ bằng sơn acrylic trên toan lớn nhất Việt Nam.

Vừa trưng bày đã bị bôi bẩn

Ngày 12.11 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận Kỷ lục Việt Nam về hai bức tranh phong cảnh có tên “Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá” được trưng bày tại hầm đi bộ phía tây cầu Rồng. Được biết, 2 bức tranh trên sẽ được trưng bày đến hết ngày 15.2.2017, sau đó nó sẽ được đem về Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng (Trường CĐVHNT). Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay sau khi 2 bức vẽ này được trưng bày nơi công cộng đã bị một vài người thiếu ý thức dùng bút mực tẩy xóa trực tiếp lên tranh khiến chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ghi nhận của PV vào ngày 13.11, một góc bức tranh phía cuối đường hầm đã bị ghi đè lên với dòng chữ “Lê Thị Mỹ L”, một góc khác tương tự xuất hiện dòng chữ “tặng Phượng Thắng”. Chưa hết, trên bức tranh còn để lại những vết bôi xóa nham nhở khiến người dân và du khách không giấu được sự bức xúc.

Họa sĩ Phan Thanh Hải - Trưởng khoa Mỹ Thuật, Trường CĐVH cho biết, tháng 4.2015, được sự đồng ý của UBND TP. Đà Nẵng, ban lãnh đạo nhà trường giao cho khoa mỹ thuật triển khai, thực hiện chương trình mỹ thuật đường phố 2016, trong đó có thực hiện 2 bức tranh tại hầm đi bộ cầu Rồng. Sau khi được lựa chọn, các họa sĩ trong khoa cùng nhau hoàn thiện bản phác thảo và cùng với các sinh viên, cựu sinh viên tiến hành vẽ trong vòng 15 ngày. “Khi trưng bày tác phẩm ‘Biển gọi’ và ‘Tài nguyên vô giá’ tại lối đi bộ, chúng tôi mong muốn nơi đây sẽ trở nên hấp dẫn hơn, sinh động hơn trong mắt du khách. Cạnh đó, việc xuất hiện 2 bức tranh cũng góp phần quảng bá hình ảnh TP biển xinh đẹp. Tuy nhiên, việc 2 bức tranh bị vẽ lên khiến bản thân chúng tôi - những người làm nghệ thuật, rất buồn” - họa sĩ Phan Thanh Hải tâm sự và cho biết thêm, trong quá trình thực hiện tác phẩm, nhóm tác giả cũng đã tính toán đến việc bức tranh bị xâm hại để từ đó lên kế hoạch bảo vệ. “Quá trình trưng bày, cứ 15 ngày một lần chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và chỉnh sửa nếu ghi nhận các trường hợp vẽ bậy lên tranh. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là mỗi người chúng ta phải nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ các hiện vật trưng bày nơi công cộng” - họa sĩ Hải chia sẻ.

Dù phế tích Hải Vân quan xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhiều du khách vẫn vô tư leo trèo lên các lô cốt, tường thành để chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: N.Đ

Di sản cũng bị xâm hại bởi con người

Theo Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra các di tích trên địa bàn TP, đơn vị đã phát hiện trong khu vực danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nhiều di tích, hiện vật bị xâm hại bởi chính Ban quản lý khu danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (BQL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn). Ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản cho biết, qua quá trình kiểm tra, đơn vị đã phát hiện 2 trụ điêu khắc Chăm bằng đá sa thạch trên đường lên chùa Tam Thái bị thay đổi so với kiến trúc ban đầu. Cụ thể, trong năm 2015, BQL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã có văn bản xin phục dựng lại 2 trụ đá này, tuy nhiên, trong quá trình thi công, phục dựng, lãnh đạo nơi đây đã cho người mài nhẵn bề mặt của 2 trụ cửa làm mất đi yếu tố gốc của hiện vật, không còn nhận diện là di vật điêu khắc Chăm từng tồn tại hơn 1.000 năm qua… “Chúng tôi đã đề xuất Sở VHTT thành lập đội kiểm tra và giao cho thanh tra sở chủ trì tổ chức thực hiện việc kiểm tra toàn diện khu thắng cảnh từ công tác quản lý, xâm hại di tích… để nhắc nhở BQL thắng cảnh Ngũ Hành Sơn phải chú ý nghiêm túc thực hiện việc quản lý, bảo vệ di tích” - ông Tuấn cho biết.

Cách đó không xa, cụm di tích Hải Vân quan nằm ở địa phận giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng nhiều năm nay vẫn chưa được phân định khu vực quản lý rõ ràng. Từ đây, câu chuyện “cha chung không ai khóc” khiến khu di tích nổi tiếng này không được quản lý, trùng tu và bảo tồn đúng mức. Ghi nhận của PV trong sáng 15.11, những lô cốt trong khu phế tích dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn là sự lựa chọn của nhiều cặp đôi chụp ảnh cưới. Họ vô tư tạo dáng, đứng trên những bức tường bong tróc gạch vữa. Bên trong các tường thành còn bi thảm hơn với vô số vết bút bôi xóa nham nhở do du khách viết lên.

Theo ông Hà Vỹ - Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTT Đà Nẵng), các điểm di tích tham quan trên địa bàn thời gian qua bị một bộ phận người dân, du khách xâm hại là có diễn ra nhưng hiện đã giảm đáng kể. “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với lãnh đạo các ban quản lý các di tích, di sản trên địa bàn cùng chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách nâng cao ý thức để bảo vệ các di tích. Thông qua các phương tiện truyền thông, tôi cũng muốn nhắc nhở đến người dân, đặc biệt là giới trẻ cần chung tay bảo vệ các di sản khi tham quan” - ông Vỹ nói.

HỮU LONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/bao-dong-tinh-trang-thieu-y-thuc-noi-cong-cong-611383.bld