Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại Cao Bằng

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Cao Bằng, hiện nguồn nước thải, chủ yếu là nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện, nước thải từ các bãi chôn lấp rác thải... đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tổng lượng nước thải từ các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 3.000 m 3 /ngày. Hầu hết các nhà máy đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng công nghệ xử lý lạc hậu nên chất lượng nước thải sau khi xử lý thải ra môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nguồn nước thải của các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản đã và đang tàn phá môi trường nghiêm trọng. Các cơ sở này chủ yếu thực hiện biện pháp xử lý nước thải bằng phương pháp tạo bể, hồ để thu gom nước thải, lắng lọc tự nhiên nhưng do hầu hết các hồ chứa nước thải dung tích không đạt như thiết kế, lắng lọc rất kém, nước thải ra môi trường thường vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Các bệnh viện, trạm y tế và cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh cũng thải ra môi trường khoảng 500 m 3 nước thải một ngày. Thế nhưng, hiện chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng thiết bị hợp khối đảm bảo nước thải thoát ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép. Các cơ sở y tế khác đều chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Kết quả quan trắc hằng năm cho thấy hầu hết nước thải bệnh viện có các chỉ số cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần như: chỉ số BOD 5 cao gấp 6,5 lần, COD cao gấp 4,8 lần, màu sắc cao gấp 4,4 lần… Ngoài ra, nguồn nước thải rò rỉ từ các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh bình quân 5 - 20 m 3 /ngày, bán kính gây ô nhiễm từ 200 m – 300m do hầu hết các bãi rác trong tỉnh đều chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước rác, nước mưa chảy tràn qua theo quy định. Đây là một trong những loại nước thải gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng nhất. Tại các khu vực nông thôn, nguồn nước thải chăn nuôi gia súc, gia cầm, nước thải sinh hoạt đều thải trực tiếp ra môi trường mà không được xử lý. Không chỉ vậy, hiện trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một số khu vực xả nước thải công nghiệp, y tế, nước thải sinh hoạt xuống dòng sông mà không qua xử lý với lượng lớn. Điển hình như: sông Nguyên Bình mỗi ngày đêm tiếp nhận trên 1.400 m 3 nước thải công nghiệp, khoảng 1.000 m 3 nước thải sinh hoạt và 100 m 3 nước thải y tế; sông Bằng tại khu vực thị xã Cao Bằng và huyện Hòa An tiếp nhận gần 7.000 m 3 nước thải sinh hoạt và trên 2.000 m 3 nước thải công nghiệp một ngày đêm... Trong khi đó, nguồn nước thải này đều có hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu ô xi sinh hóa ( BOD 5 ), nhu cầu ô xi hóa học ( COD)… vượt nhiều lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép. Kết quả p hân tích nước mặt trên sông Bằng tại khu vực thị xã Cao Bằng có chỉ số TSS vượt tiêu chuẩn cho phép gần 5 lần, BOD 5 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 4 lần… Nguồn nước sông Hiến cũng bị ô nhiễm nặng do hoạt động khai thác khoáng sản trên thượng nguồn. Trong khi đó, đây là nguồn cung cấp nước cho Nhà máy nước xử lý để phục vụ hàng vạn người dân sinh sống tại khu vực thị xã Cao Bằng. T rước tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, từ năm 2003 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt 3 dự án về môi trường gồm: Quy hoạch môi trường tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2003 – 2010 và kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2003 - 2006; “Quy hoạch sông Bằng, sông Hiến đoạn từ Hòa An đến thị xã Cao Bằng”; “Quy hoạch hệ thống quan trắc chất lượng môi trường tỉnh Cao Bằng”. Thế nhưng, các dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy, không triển khai thực hiện do không bố trí được kinh phí. Thiết nghĩ, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, giảm thiểu các tác động ô nhiễm nguồn nước, tỉnh Cao Bằng cần điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tăng cường công tác quản lý cấp phép tài nguyên nước, chú trọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ưu tiên các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất vi phạm Luật bảo vệ môi trường./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=407771&co_id=30087