'Báo động đỏ' về hành hung bác sĩ, phải chăng chống bạo hành y tế đã thất bại?

Chỉ từ tháng 4/2017 đến nay đã có hàng chục vụ việc bác sĩ bị bạo hành, làm nhục được dư luận đưa ra ánh sáng tuy nhiên số vụ việc vẫn chưa bao giờ dừng lại.

Điều dưỡng Vũ Văn Sang bị người nhà bệnh nhân tấn công

Điều dưỡng Vũ Văn Sang bị người nhà bệnh nhân tấn công

Các vụ việc bạo hành bác sĩ liên tục được đưa lên các phương tiên thông tin đại chúng nhưng dấu hiệu vẫn chưa dừng mà liên tiếp xuất hiện các vụ việc nhân viên y tế bị hành hung.

9 tháng tù giam cho đối tượng Cấn Ngọc Giang – Thạch Thất, Hà Nội do ném cốc thủy tinh vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương SN 1983 đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội là vụ án thứ hai hành hung bác sĩ tại Hà Nội được đưa ra tòa.

Tuy nhiên, 9 tháng tù giam vẫn chưa thể nào đủ sức răn đe với những người luôn thích gây sự và cho mình cái quyền tối thượng tức giận, bức xúc có thể đánh đập, lăng mạ nhân viên y tế người đang ra sức cố gắng cứu sống chính người thân của họ.

Đối tượng Giang cho rằng chỉ sơ ý làm rơi chiếc cốc vào đầu bác sĩ mà họ quên đi rằng trước và sau khi vụ việc xảy ra gia đình đã liên tục đe dọa bác sĩ khi không đạt được thỏa hiệp.

Câu chuyện của bác sĩ Thiện tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh hồi tháng 7 vừa qua như khiến nhiều đồng nghiệp xót xa. Dù máu không chảy, người không bị thương nhưng có lẽ vết thương lòng với vị bác sĩ này sẽ theo đuổi trong suốt năm tháng sau này.

Dư luận, cộng đồng lên án mạnh mẽ hành vi bạo hành y tế tuy nhiên dường như nó không có tác dụng. Là một trong những người luôn luôn lên tiếng mạnh mẽ về nạn bạo hành nhân viên y tế cả về bạo lực và tinh thần, bác sĩ Ngô Đức Hùng – Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã thốt lên rằng “phải chăng việc chống bạo hành y tế đã thất bại?

Sự việc xảy ra ở Nghệ An mới đây khiến bác sĩ đều cảm thấy đau lòng khi một bác sĩ nữ bị người đàn ông tự nhận là giám đốc của một công ty lao vào hành hung. Sự việc dấy lên hồi chuông đòi hỏi về một môi trường làm việc an toàn của nhân viên y tế dường như quá khó.

TS Võ Xuân Sơn – người đã trực tiếp lập ra trang Chống bạo hành y tế với gần 20 nghìn người theo dõi trong đó đa số là bác sĩ. Tuy nhiên, qua những vụ việc lần này bác sĩ Sơn cảm thấy thất vọng.

Ông cho rằng “đã nhiều lần tôi muốn từ bỏ chương trình Chống bạo hành y tế, đóng trang Chống bạo hành y tế lại, nhất là khi chính những người trong cuộc, chính những nạn nhân trực tiếp của bạo hành y tế yêu cầu tôi không viết về chuyện của họ, thậm chí yêu cầu gỡ bài, xóa bài”.

TS Sơn cho biết, vì chống bạo hành y tế mà nhà và xe của ông bị tạt sơn. “Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của những người bảo vệ khu phố tôi sự nghi ngờ, rằng tôi là loại bác sĩ nào mà bị người ta tạt sơn vào nhà. Tôi đã phải nuốt khan khi nghe các anh công an phân tích, rằng việc tạt sơn thì chỉ do không sòng phẳng về tình hoặc tiền. Tôi thấy mình thật cô đơn”.

Sự thất bại của chống bạo hành y tế bác sĩ Sơn cho biết, có những bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế là nạn nhân trực tiếp của bạo hành y tế lại dễ dàng thỏa hiệp với cái ác. Có lẽ, họ cũng bị áp lực của hàng xóm, của bà con họ hàng, của một số đồng nghiệp, rằng họ là loại bác sĩ gì, loại điều dưỡng gì mà bị hành hung?! Họ luôn bị nhiều kẻ cho rằng họ phải thế nào mới bị đánh.

Mặt khác, những lãnh đạo cơ sở y tế lại rất sợ câu chuyện lan rộng, bệnh nhân sẽ có suy nghĩ cơ sở đó phải làm sao mới bị người ta hành hung, để từ đó không đến khám bệnh. Mà thời buổi này, bệnh nhân chính là nguồn sống của bệnh viện, của nhân viên y tế. Họ chỉ nhìn cái trước mắt, là làm sao ém nhẹm vụ này mà không nghĩ rằng, đó chính là lí do làm cho nạn bạo hành y tế lan rộng.

Với tất cả những áp lực ấy, họ, những nạn nhân trực tiếp của bạo hành y tế đã không thể vượt qua sự sợ hãi, để đồng hành cùng Chống bạo hành y tế.

Hành hung bác sĩ liên quan tới đạo đức xã hội

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, đến nay hành lang pháp lý để bảo vệ cho nhân viên y tế trong khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình đã có khá đầy đủ, thể hiện qua quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hay quy định về quyền của thầy thuốc là được pháp luật bảo vệ trong khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nghĩa vụ của người bệnh và thân nhân người bệnh là phải tuân thủ phác đồ điều trị của người thầy thuốc và phải có nghĩa vụ bảo vệ, không được xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, không được lăng mạ người thầy thuốc và nhân viên y tế. Trong chừng mực gây thiệt hại cho thầy thuốc, nhân viên y tế, gây hại đến tài sản của bệnh viện thì có các quy định của Bộ luật dân sự là phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên rất ít trường hợp được đưa ra xét xử bởi nó liên quan tới tình tiết tổn hại 11 % sức khỏe mới được hình sự hóa. Vì vậy, những đối tượng gây hại cho bác sĩ chỉ bị xử phạt hành chính gây bức xúc cho nhân viên y tế.

Ông Quang cho rằng để chống bạo hành y tế, Bộ Y tế đã nỗ lực, thậm chí gửi các công văn đề nghị Bộ Công an hỗ trợ. Nhưng về mặt xã hội, ở ngoài đường người ta còn đánh nhau thì bệnh viện họ xá gì. Vấn đề này, ông Quang cho rằng hàng hung bác sĩ liên quan tới đạo đức xã hội.

Ph. Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bao-dong-do-ve-hanh-hung-bac-si-phai-chang-chong-bao-hanh-y-te-da-that-bai-post235027.info