Báo động đỏ tình hình SXH ở Tây Nguyên: Phó Thủ tướng giao trách nhiệm cho địa phương

Với hơn 7.000 trường hợp mắc bệnh, 4 ca tử vong, có nơi tỉ lệ mắc bệnh lên tới 291,3 người/100.000 dân, Tây Nguyên đang báo động đỏ về dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát.

Bệnh viện không còn chỗ chứa

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH khu vực Tây Nguyên tổ chức chiều ngày 7/8 ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay cả nước có hơn 49000 trường hợp mắc SXH tại 48 tỉnh/thành phố, 17 trường hợp tử vong. Trong đó khu vực miền Nam chiếm gần 60%; khu vực miền Trung ghi nhận hơn 25% và khu vực Tây Nguyên là 15%.

Tình hình sốt xuất huyết tại các tỉnh Tây Nguyên ngày càng phức tạp. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tại Tây Nguyên, dịch xảy ra tại 48/50 huyện, thành phố của 4 tỉnh. Ghi nhận, độ tuổi mắc SXH tại khu vực Tây Nguyên chủ yếu là người lớn (chiếm 74,6%).

Trong đó, theo báo cáo, đứng đầu 4 tỉnh Tây Nguyên về dịch SXH là Gia Lai với hơn 3.000 trường hợp mắc bệnh, có ngày xuất hiện hơn 100 ca mới, một bệnh nhân đã tử vong.

Tiếp đó là tỉnh Đắk Lắk đứng thứ hai với gần 2.000 trường hợp mắc SXH. BS Nguyễn Hai - Trưởng khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh cho biết, khoa có 35 giường, nhưng đang điều trị 195 bệnh nhân, chủ yếu là mắc bệnh SXH.

Bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-40 bệnh nhân SXH, có ngày lên đến 60 bệnh nhân. Khoa Truyền nhiễm phải huy động thêm 7 phòng trước đây dùng để chứa các dụng cụ y tế, nhà kho cho bệnh nhân nằm mà vẫn không đủ chỗ.

Ổ loăng quăng ở mọi nhà

Theo Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân trước hết là dịch SXH ở Tây Nguyên có tính chu kỳ, cứ 3-5 năm bùng phát một lần. Nhận định này căn cứ vào kết quả theo dõi giai đoạn 2005-2015, trong đó đỉnh dịch cao nhất là năm 2010 với hơn 13.000 trường hợp mắc, 5 ca tử vong.

Mặt khác, hiện tượng El Nino vừa qua kéo dài làm nhiệt độ tăng cao khiến bọ gậy phát triển, Tây Nguyên trước đây không nằm trong vùng lưu hành SXH nên khả năng miễn dịch cũng thấp....

Việc xử lý ổ dịch tại các tỉnh Tây Nguyên chưa triệt để, khiến dịch bệnh gia tăng. TP.Pleiku (Gia Lai) có hơn 1.000 trường hợp mắc SXH, nhưng ngành chức năng chỉ phun hóa chất diệt muỗi được 221 khu vực có người bệnh là một tỉ lệ quá thấp.

Đáng ngại hơn cả là tại nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, lốp xe công nông cũ hầu như nhà nào cũng có, đây chính là những ổ lăng quăng gây bệnh và bùng phát bất cứ lúc nào.

Tìm mọi biện pháp chống dịch

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát và diễn tiến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát nhiều khu vực và chỉ đạo giao trách nhiệm cụ thể trong công tác phòng chống dịch cho các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phải dồn sức chống dịch.

Liên quan tới tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, cùng ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ cũng phát đi công điện yêu cầu UBND các tỉnh thành chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở ban ngành và vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt là tại các công trường xây dựng, các dụng cụ chứa nước, khu dân cư.

Người dân có biểu hiện bệnh phải đến ngay cơ sở y tế, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà. Sở Y tế tổ chức xử lý sớm ổ dịch, phát hiện sớm bệnh nhân và cấp cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Theo đó, chủ tịch tỉnh, thành phố, các huyện chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nhiệm vụ chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

An Thiên (TH)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/bao-dong-do-tinh-hinh-sxh-o-tay-nguyen-pho-thu-tuong-giao-trach-nhiem-cho-dia-phuong-d20697.html