Bảo đảm an toàn điện trong mùa mưa lũ

Trong bối cảnh tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều bất thường và trái quy luật như hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu của thời tiết, giảm tới mức thấp nhất, khẩn trương khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cảnh báo lũ từ xa

Huyện Krông Nô nằm phía đông bắc tỉnh Đác Nông, có 11 xã và một thị trấn, trong đó có năm xã với 4.380 hộ dân sinh sống ở hạ lưu Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (thuộc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp). Hơn năm nghìn héc-ta đất sản xuất của những hộ dân này phụ thuộc chính vào nguồn nước tưới, cũng như chịu sự tác động khi Buôn Tua Srah xả lũ điều tiết. Do vậy, làm thế nào để tìm ra giải pháp cảnh báo lũ chính xác, kịp thời luôn là nỗi trăn trở lớn nhất của những kỹ sư thủy điện.

Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty Thủy điện Buôn Kuốp) Nguyễn Đức chia sẻ: Trước đây, công ty có lắp đặt còi tại đập tràn nhà máy để cảnh báo người dân trong vùng khi chạy máy hoặc xả lũ, giúp họ chủ động phòng tránh. Giải pháp này mặc dù nhanh gọn, kịp thời, nhưng phạm vi lại quá hẹp, bán kính chỉ khoảng 5 km. Một giải pháp khác là dùng loa trang bị trên xe lưu động chạy dọc vùng hạ du để thông báo cho người dân. Tuy nhiên, cách làm này mất nhiều thời gian, chi phí; hơn nữa nhiều khi đường sá đi lại khó khăn cũng gây trở ngại. Để khắc phục, đội ngũ kỹ sư của Thủy điện Buôn Kuốp đã tập trung tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời trạm cảnh báo từ xa qua sóng di động. Đây là hệ thống gồm các thiết bị nhận cuộc gọi di động, mạch điều khiển, loa phóng thanh;... Khi có cuộc gọi đến, mô-đun điều khiển cho phép bắt máy, bật âm kết nối ra loa phóng thanh để nhân viên vận hành đọc thông báo đến chính quyền và người dân trong vùng về tình hình chạy máy, điều tiết nước về vùng hạ du trong mùa khô, mùa lũ. Do được lắp đặt ngay tại nhà dân giữa điểm đông dân cư dọc theo khu vực hạ du nên các trạm cảnh báo lũ từ xa đã phát huy được hiệu quả trong công tác cảnh báo lũ. Từ khi các trạm này đi vào hoạt động, vùng hạ du của thủy điện Buôn Tua Srah chưa xảy ra thiệt hại nào về người do xả lũ điều tiết. Tính đến nay, tổng cộng 16 trạm cảnh báo đã được Thủy điện Buôn Kuốp lắp đặt dọc theo bờ sông vùng hạ du hồ chứa của hai nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah và Buôn Kuốp.

Phó Giám đốc Thủy điện Buôn Kuốp Nguyễn Tấn Triết cho biết: Đơn vị còn thiết lập trang thông tin điện tử; trang bị màn hình theo dõi các thông số quan trắc, vận hành hồ chứa tại Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hai tỉnh Đác Lác, Đác Nông cũng như các huyện liên quan để chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng và nhân dân trong vùng thuận tiện theo dõi. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Nô Doãn Gia Lộc đánh giá: Nhờ sự phối hợp tốt giữa chính quyền địa phương và Thủy điện Buôn Kuốp, những năm qua, công tác điều tiết nước đã bảo đảm phục vụ sản xuất của người dân, đồng thời chủ động trong ứng phó với thiên tai khi hồ thủy điện điều tiết xả lũ, hạn chế thiệt hại cho người dân.

Khẩn trương nhưng phải an toàn

Là đơn vị được giao trách nhiệm đầu tư, quản lý vận hành lưới điện phục vụ hơn 9,4 triệu khách hàng tại 27 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, địa bàn hoạt động của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) có địa hình phức tạp, khoảng hai phần ba là vùng rừng núi và hơn 830 km bờ biển, thời tiết khí hậu bốn mùa đa dạng. Có thể nói, lưới điện của EVN NPC thường xuyên chịu tác động lớn của hình thái thời tiết cực đoan như bão, lũ, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá, thậm chí là cả băng, tuyết... nhất là khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng có ảnh hưởng bất lợi.

Phó Tổng Giám đốc EVN NPC Hồ Mạnh Tuấn cho biết, với quy mô lưới điện lớn nhất trong các tổng công ty phân phối, trong đó nhiều đường dây, trạm biến áp được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, nhất là vùng nông thôn chưa có điều kiện cải tạo nên lưới điện của EVN NPC rất dễ chịu tổn thất khi có thiên tai. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, bão lũ, lốc xoáy, sạt lở đất,... đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho lưới điện ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Lai Châu,... Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, chuẩn bị tốt công tác PCTT và TKCN, các đơn vị trực thuộc EVN NPC nhanh chóng khắc phục các sự cố, kịp thời cấp điện trở lại một cách nhanh nhất. Điển hình như trong bão số 2 vừa qua, mặc dù hệ thống lưới điện toàn tỉnh Nghệ An bị thiệt hại nặng nề, nhưng chỉ trong vòng một tuần, Công ty Điện lực Nghệ An đã cơ bản khắc phục xong các sự cố, cấp điện trở lại cho phần lớn khách hàng. Ông Hồ Mạnh Tuấn nhấn mạnh: Trong công tác PCTT và TKCN, chúng tôi luôn quán triệt yêu cầu phải “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương nhưng phải cẩn trọng và an toàn”, cùng phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và vật tư, hậu cần) để sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp và giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thời gian tới, để tiếp tục bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục cho người dân, EVN NPC yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần lập phương thức vận hành lưới điện khi có sự cố; phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn an toàn sử dụng điện cho người dân trong mùa mưa bão; đồng thời đẩy nhanh việc cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn để bảo đảm an toàn vận hành lưới điện sau tiếp nhận. Các công ty thủy điện trực thuộc EVN NPC cũng được yêu cầu theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, công tác xả lũ để bảo đảm an toàn cho hồ đập và tài sản, con người khu vực hạ du.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33766802-bao-dam-an-toan-dien-trong-mua-mua-lu.html