Bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ

Ðể chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa lũ, thành phố Hà Nội đang tích cực xử lý các sự cố, gia cố hệ thống đê điều, hồ đập. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, công tác hộ đê, nhất là tại các khu vực trọng điểm cần được đặc biệt coi trọng, tránh tâm lý chủ quan.

Dù mới bước vào đầu mùa mưa, nhưng người dân ở xóm Giữa, thôn Thịnh Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì rất lo lắng vì tình trạng sạt lở ở khu vực kè sông Hồng từ cuối năm 2015 đến nay chưa được khắc phục triệt để. Anh Nguyễn Văn Hạnh, người dân sinh sống gần khu vực này cho biết, mặc dù người dân đã có cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhưng do đây là khu vực đường cụt, nằm sát bờ sông, từ nhà bước ra khỏi cổng là đến đường, cho nên việc đi lại của người dân rất nguy hiểm. Sau mỗi trận mưa, khu vực sạt lở mở rộng thêm, nhiều điểm ăn sâu vào đường bê-tông của xóm, tạo hố sâu lớn, có thể sập đường bất kỳ lúc nào, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ðể hạn chế sạt lở, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, người dân sử dụng gỗ, cọc tre, bao tải cát để chèn chắn, nhưng đây chỉ là những giải pháp tạm thời.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thành phố đã phê duyệt phương án xử lý cấp bách, nhưng đang vướng mắc về trình tự, thủ tục, dẫn đến dự án chậm thực hiện. Ngoài khu vực này, trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có ba điểm sạt lở khác cũng đang trong tình cảnh tương tự. Các thủ tục lập dự án đầu tư khắc phục sạt lở đã được các địa phương thực hiện hoàn chỉnh, nhưng chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Ðể có nguồn vốn xử lý sạt lở, UBND huyện Ba Vì đã ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng, yêu cầu các đơn vị thi công chuẩn bị sẵn sàng nguyên, vật liệu, phương tiện máy móc và nhân lực. Ðồng thời đề nghị các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án để huyện sớm triển khai trước mùa mưa lũ.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ mùa mưa bão năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 47 sự cố đê điều, tập trung tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Ðan Phượng, Gia Lâm, Phú Xuyên…

Do khó khăn về nguồn vốn, thành phố đã giao các đơn vị thực hiện đầu tư 23 dự án xử lý công trình đê điều nghiêm trọng. Ðến nay có sáu điểm cơ bản hoàn thành, còn lại 17 điểm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đầu tư. Lý giải về nguyên nhân chậm trễ này, đại diện Chi cục Ðê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho rằng, quy định về trình tự triển khai dự án xử lý sự cố hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều khẩn cấp, có tính cấp bách còn chưa phù hợp. Chi cục đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất thành phố sửa đổi quy trình theo hướng, khi dự án xử lý sự cố hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều khẩn cấp, có tính cấp bách được cấp có thẩm quyền đồng ý thì được phép thực hiện ngay, đồng thời với hoàn thiện hồ sơ, chứ không phải chờ đợi xong hồ sơ mới được triển khai. Thực hiện như vậy thì tiến độ các dự án sẽ rút ngắn, sự cố đê điều sớm được khắc phục. Chi cục trưởng Ðê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Ðỗ Ðức Thịnh cho biết, để bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ chứa, công trình thủy lợi, xác định các trọng điểm, các điểm xung yếu, kiểm kê vật tư dự trữ tại các kho và trên các tuyến đê thuộc thành phố quản lý. Năm nay, nhờ dự án nâng cấp, cải tạo đê kè Thanh Am đã hoàn thành, thành phố Hà Nội rút được một trọng điểm nguy hiểm, còn lại ba trọng điểm, gồm Trạm bơm Yên Sở (quận Hoàng Mai), cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), đê Xuân Canh-Long Tửu (huyện Ðông Anh). Ngoài ra còn mười điểm xung yếu, gồm kè Khê Thượng (huyện Ba Vì), đê Sen Chiểu, Vân Cốc (huyện Phúc Thọ), kè Liên Trì (huyện Ðan Phượng), kè An Cảnh (huyện Thường Tín), kè Quang Lãng (huyện Phú Xuyên), cống Cẩm Bình, đê Trung Mầu, kè Ðổng Viên (huyện Gia Lâm), cống Cẩm Hà (huyện Sóc Sơn) và kè Thanh Am-Tình Quang (quận Long Biên). Các trọng điểm, khu vực xung yếu này thường xuyên được thành phố đầu tư nâng cấp, tu bổ và đã có phương án đề phòng trường hợp thời tiết bất thường gây ra diễn biến bất lợi. Vì thế, hệ thống đê điều Hà Nội bảo đảm chống lũ theo thiết kế.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hà Ðức Trung nhấn mạnh, với diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, cực đoan và khó lường như hiện nay, người dân không thể lơ là, chủ quan, nhất là tại ba khu vực trọng điểm. Cụ thể, cống Liên Mạc được xây dựng từ năm 1938, đến nay đã xuống cấp, xuất hiện tình trạng rò rỉ hai bên mang cống, cường lực giảm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Còn tại trọng điểm thứ hai, Xuân Canh – cống Long Tửu, khu vực ngã ba sông Hồng, sông Ðuống, có dòng chảy diễn biến phức tạp. Ðịa chất yếu, nhiều sự cố thường xuyên xảy ra. Lòng sông có hố xói sâu và đã xuống âm từ 17 đến 18 m. Lưu lượng nước vào sông Hồng, sông Ðuống không ổn định, bất thường. Ðối với cống Yên Sở từ khi xây dựng năm 2004 đã xảy ra dịch chuyển hơn 10cm tại khoang 12 và đến nay chưa trải qua thử thách trong thực tế, cho nên cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33178202-bao-dam-an-toan-de-dieu-trong-mua-mua-lu.html