Báo chí thời công nghệ

(ĐTTCO) - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, trong khoảng 1 thập niên qua bên cạnh thể loại báo giấy, báo tiếng (đài phát thanh) và báo hình (truyền hình) đã xuất hiện thêm 2 thể loại báo chí khác, đó là báo điện tử và truyền thông xã hội. Sự xuất hiện của 2 loại hình này đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động báo chí trong thế giới hiện đại.

Báo điện tử

Từ khi internet phát triển, trên thế giới bắt đầu xuất hiện một loại hình báo chí mới: Báo điện tử, hay còn gọi báo mạng. Đối tượng độc giả của loại báo này là những người dùng internet đang ngày một tăng nhanh trên thế giới. Độc giả tiếp cận các bài báo điện tử dựa trên máy tính cá nhân, điện thoại di động, máy tính bảng... có kết nối internet. Khác với báo in, tin tức trên báo điện tử được cập nhật thường xuyên, tin ngắn và thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.

Với lợi thế không phụ thuộc vào không gian và thời gian, cộng với việc đa số cung cấp thông tin miễn phí, báo điện tử đã nhanh chóng phát triển và làm thay đổi thói quen đọc tin tức của công chúng. Thay vì hàng ngày phải ra sạp báo và bỏ ra một số tiền để mua một hoặc vài tờ báo mình thích, người dân nay chỉ cần nằm ở nhà hoặc ngồi quán cà phê để lướt web và đọc báo. Họ có thể đọc rất nhiều tờ báo, tiếp cận rất nhiều thông tin mà chẳng phải tốn một xu nào. Ngoài việc cung cấp tin tức dưới dạng văn bản (text) và hình ảnh tĩnh như báo giấy, báo điện tử còn có thể cung cấp cho người dùng những tin tức dưới dạng âm thanh (audio), hình ảnh động và cả video. Như vậy, với khả năng này, chỉ cần 1 tờ báo điện tử cũng có thể thay thế tất cả loại hình báo chí truyền thống trước đó. Nhưng sự kết hợp này không chỉ đơn thuần là sự thay thế, mà có thể gọi đó là sự “tiến hóa”, vì nó đem lại sự kết hợp “tất cả trong một” rất tiện lợi.

Ngoài ra, báo điện tử còn có khả năng tích hợp những chương trình tương tác. Đây chính là phương tiện duy nhất chỉ có trên báo mạng điện tử, thể hiện sự vượt trội của báo mạng điện tử so với tất cả các loại hình báo chí truyền thống. Tính tương tác của báo điện tử là khả năng phản hồi, trao đổi thông tin của độc giả với tờ báo, tác giả. Chẳng hạn, độc giả có thể tham gia chơi một trò chơi (game), trả lời câu hỏi hay làm trắc nghiệm và có ngay đáp án, tham gia những chương trình trực tuyến… trên báo điện tử. Họ cũng có thể tham gia bình luận về một bài báo. Một tính năng khác của báo điện tử là khả năng chia sẻ (share). Trước đây, khi đọc được một bài báo hay hoặc một tin tức thú vị, độc giả chỉ có thể chia sẻ bằng cách kể trực tiếp hoặc đưa tờ báo cho người khác. Nay, với báo điện tử, độc giả chỉ cần gửi đường link hoặc chia sẻ nó trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, với việc chia sẻ trên các mạng xã hội, bài báo không chỉ tiếp cận 1 người mà có thể hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người cùng lúc.

Truyền thông xã hội

Chính sự xuất hiện của các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đã cung cấp cho báo điện tử bước nhảy vọt, vượt xa báo chí truyền thống. Với mạng xã hội, báo chí chuyên nghiệp trở nên gần gũi hơn với độc giả. Trước đây, tờ báo và nhà báo chủ động cung cấp thông tin cho độc giả. Ngày nay, họ có thể trao đổi trực tiếp với các thành viên mạng xã hội và từ đó có thể tìm thấy đề tài cho nhiều bài báo mới của mình. Với mạng xã hội, tin tức trên báo chí càng trở nên nhanh hơn, cụ thể hơn, xác thực hơn và đáp ứng nhu cầu công chúng tốt hơn. Mạng xã hội giúp báo chí hoạt động công khai, minh bạch, và chuyên nghiệp hơn nhờ khả năng lan truyền siêu tốc. Với mạng xã hội, một bài báo thu hút sự quan tâm của công chúng có thể được “share” hàng chục ngàn lần, tiếp cận đến hàng triệu người trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Với sự xuất hiện của các mạng xã hội như Facebook hay Youtube, độc giả có sức mạnh rất to lớn trong việc giám sát và phản hồi những thông tin có được từ báo chí. Nếu báo chí truyền thống được coi là “quyền lực thứ tư”, có chức năng giám sát, kiểm tra hoạt động của nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, thì mạng xã hội đóng vai trò “quyền lực thứ năm” trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí. Không chỉ vậy, với mạng xã hội mọi người đều có thể tạo ra và lan truyền tin tức họ muốn được chia sẻ. Và từ đó, một loại hình báo chí mới cũng xuất hiện, gọi là truyền thông xã hội hay báo chí công dân (citizen journalism).

Ảnh minh họa.

Với thế mạnh là mạng lưới sâu rộng, tính tương tác rất cao (đặc biệt là Facebook), báo chí công dân đã thúc đẩy nhiều hơn tranh luận xã hội. Nhờ tranh luận, hiệu quả của thông tin được kiểm chứng, nó cũng khiến người dân trở nên quan tâm hơn đến tình hình kinh tế-chính trị-xã hội. Tuy vậy, báo chí công dân cũng có những mặt hạn chế. Thứ nhất, do những thông tin trên mạng xã hội không bị kiểm soát, ràng buộc bởi các quy chuẩn hoạt động như báo chính thống, nên tính xác thực của thông tin rất khó kiểm chứng. Điều này tạo ra “rủi ro đạo đức” cho các blogger, khi họ sẵn sàng đăng những thông tin chưa được kiểm chứng, hoặc sai sự thật, để phục vụ mục đích riêng của mình.

Thứ hai, mạng lưới rộng và tính lan truyền nhanh của truyền thông xã hội cũng góp phần đẩy mạnh xu hướng “lá cải hóa” trong nền báo chí truyền thống. Lá cải hóa là việc các tờ báo lợi dụng việc đưa các tin tức giật gân, tin về người nổi tiếng trong giới giải trí hay thể thao để thu hút sự chú ý của độc giả. Lá cải hóa có xu hướng làm lẫn lộn ranh giới giữa thông tin và giải trí, qua đó làm giảm đi chất lượng những cuộc thảo luận của công chúng về những đề tài quan trọng.

Hướng đi của báo giấy?

Báo chí truyền thống hiện tại vẫn đang cố gắng thích ứng bằng cách sản xuất cùng một nội dung cho 2 định dạng khác nhau là in ấn và online. Tuy nhiên, theo Jeff Jarvis, GS. Đại học City New York, để tồn tại báo chí truyền thống phải trở thành những công ty công nghệ và thích nghi với thế giới, nơi báo in vẫn tồn tại nhưng đứng sau báo trực tuyến. Theo đó làm thật tốt báo trực tuyến và tận dụng mạng xã hội để khuếch trương. Bên cạnh đó, báo chí truyền thống phải trở thành những bậc thầy sản xuất video và học cách trở thành đối tác kinh doanh tốt. Ngoài ra các nhà báo phải học cách xây dựng mối quan hệ đối tác, liên minh, thậm chí phải liên kết với các công ty trực tuyến đa dạng như mạng xã hội, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ giải trí và những nhóm truyền thông khác.

Trong một thế giới ngày càng rộng mở với thông tin đa chiều, nếu sống mãi trong hào quang quá khứ và không chịu thay đổi, thích nghi, báo chí truyền thống chẳng mấy chốc sẽ bị lu mờ và phá sản bởi mạng xã hội.

Vĩnh Cẩm

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160618/bao-chi-thoi-cong-nghe.aspx