Báo chí phải đi đầu bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt

Truyền thông bên cạnh việc định hướng thông tin, cũng cần định hướng sử dụng ngôn ngữ. Bởi những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí sẽ tác động nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền.

Truyền thông phải góp phần vào việc định hướng sử dụng ngôn ngữ.

Truyền thông đang sáng tạo ngôn ngữ quá đà?

Đây là vấn đề được tranh luận sôi nổi trong hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Rất nhiều đại biểu tham gia hội thảo đã chỉ ra những bất cập trong việc sử dụng tiếng Việt trên báo chí hiện nay.

Theo khảo sát của PGS.TS. Đào Thanh Lan (Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKH Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), trong khoảng 130 bài báo các loại được tập hợp theo sự đa dạng về nội dung, thể loại thì có tới 61 bài có lỗi, chiếm gần 50%. Trong đó có 4 lỗi thuộc phạm vi văn bản (đặt tiêu đề chưa phù hợp nội dung, lỗi phân đoạn, lỗi dùng phép liên kết câu…) và 93 lỗi thuộc phạm vi câu. Như vậy, mức độ bài báo có lỗi dùng tiếng Việt khá phổ biến và đáng báo động về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo chí.

GS.TS. Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) thì nhìn nhận “tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông hiện đang có một sự “xung đột”. Ông lấy ví dụ: “Về từ ngữ, chẳng hạn đã có Ý lại có Italia; đã có Mạc-tư-khoa lại có Mát-xcơ-va, Moscow; ông bố là Kim Nhật Thành, nhưng con trai lại là Kim Châng In/ Kim Jong Il/ Kim Jong-il mà không gọi Kim Chính Nhật. Đối với từ ngữ mượn, đã có Thế vận hội lại có Olympic, đã có dưỡng khí lại có ôxy. Đã có “đôi” rồi mà vẫn dùng “cặp đôi”. GS cũng đưa ra một nghi hoặc: “Phải chăng, với cách nhìn “truyền thông chính là ngôn ngữ” nên những người làm truyền thông luôn tìm tòi, sử dụng ngôn từ, sáng tạo ngôn từ bởi họ không thích sự lặp lại cách dùng ngôn từ “mòn như những đồng xu”?

Phải thừa nhận rằng, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông hiện nay còn chưa nhất quán, thường theo quy định của mỗi tòa soạn. Lỗi chính tả, lỗi câu cũng không phải hiếm gặp, hoặc có khi người dẫn chương trình, biên tập viên đôi khi còn “nghèo từ” nên diễn đạt ý chưa thoát.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - cũng nhận định rằng, những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí khiến dư luận quan tâm, lo lắng. Đó là cách dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả; cách đặt tiêu đề, rút "tít" thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí giật gân câu khách; thiếu sự đổi mới trong sự thể hiện văn phong báo chí; sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán; thiếu tinh thần cầu thị, chưa chú ý tiếp thu phê bình, mở các diễn đàn tranh luận cởi mở, thẳng thắn... Vì vậy đội ngũ những người làm báo phải tự ý thức trách nhiệm của mình, nâng cao kiến thức để không chỉ góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt mà còn làm lan truyền tinh thần đó ra cộng đồng.

Cần giữ gìn tiếng Việt từ truyền thông

Đặt câu hỏi vì sao tiếng Việt ngày càng giảm sút sự trong sáng, nhà báo Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN - cho rằng, không ít người làm báo thiếu hiểu biết và chưa thấy hết trách nhiệm của mình. “Báo chí không phê phán lối dùng tiếng Việt xô bồ, lai tạp phổ cập trong một bộ phận xã hội, thậm chí còn dùng theo và làm cho ngôn ngữ “lệch chuẩn” đó được lan truyền. Nếu không có giải pháp phòng ngừa, hạn chế, khắc phục kịp thời thì hiểm họa đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt là nhãn tiền...”, ông cảnh báo.

Nhìn vào thực trạng sử dụng tiếng Việt đang khá lệch chuẩn hiện nay trên mặt bằng báo chí, nhiều đại biểu lại một lần nữa đề nghị cần phải xây dựng một chuẩn mực ngôn ngữ nhất định, cụ thể hóa bằng Luật Ngôn ngữ để giảm thiểu sự lệch chuẩn cũng như giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt, việc áp dụng chuẩn ngôn ngữ cho các phương tiện truyền thông đại chúng vì báo chí có tính phổ biến, tính định hướng thông tin, trong đó có cả định hướng về việc sử dụng ngôn ngữ.

TS. Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - thì ví nghề báo cũng như nghề viết văn, đều là nghề của câu chữ, là quá trình sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Để thực hiện được chức năng truyền thông tin, họ cần làm giàu vốn từ, vừa phát hiện và tiếp cận thông tin, vừa mang đến sự hấp dẫn cho bạn đọc. Với công việc của mình, đội ngũ những người làm báo và cả văn nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn, vì vậy rất cần ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ nét hay, nét đẹp của tiếng “mẹ đẻ”.

Mai Châu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bao-chi-phai-di-dau-bao-ve-su-trong-sang-cua-tieng-viet-610501.bld