Báo chí như 'cơm ăn nước uống' của cán bộ khuyến nông

Tại Hội nghị triển khai công tác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày hôm qua, ông Trần Văn Khởi – Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh công tác tuyên truyền khuyến nông trên báo chí năm 2017 phải bám sát chủ trương, chỉ đạo của Bộ NNPTNT, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh phát triển cây – con chủ lực…

Báo chí là “cơm ăn nước uống” của cán bộ khuyến nông

Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) cho biết, trong năm 2017 Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng trên cả 3 lĩnh vực báo hình (các kênh truyền hình VTV2, VCT16, VTV9…), báo viết (Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn Ngày nay…), đài phát thanh, các đài khu vực… để tuyên truyền khoảng 1.600 chuyên trang, 650 chương trình, chuyên mục và 15.000 tin bài.

Được biết, trong năm 2016, TTKNQG đã phối hợp cùng trên 20 cơ quan truyền thông để tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, ngành nông nghiệp về tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các cơ quan báo chí đã xây dựng nhiều chuyên mục thu hút độc giả và bà con nông dân, như các Chuyên đề Nhịp cầu nhà nông, Diễn đàn khuyến nông – Bạn của Nhà nông, Nông thôn đổi mới trên truyền hình; chuyên trang Khuyến nông, mục Cẩm nang nhà nông trên một số tờ báo giấy và đài phát thanh…

Ông Trần Văn Khởi - Giám đốc TTKNQG phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Huệ

Đặc biệt, trong năm 2016 báo Nông thôn Ngày nay đã phối hợp với TTKNQG thực hiện thường xuyên 2 chuyên trang/báo/số, phát hành 6 số/tuần đến toàn bộ chi Hội Nông dân cấp thôn, bản, ấp của cả nước. Theo đó, đã có hàng nghìn tin, bài được đăng tải với hình thức hấp dẫn, nội dung phong phú, bám sát với hoạt động sản xuất thực tế của bà con nông dân.

Nhận xét về vai trò tuyên truyền của báo chí trong hoạt động khuyến nông, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TTKNQG cho biết, thông qua hàng nghìn tin, bài được thể hiện trên mặt báo và đài phát thanh, truyền hình, bà con nông dân khắp cả nước đã có điều kiện tiếp cận tin tức nhanh hơn, thuận lợi hơn. Các bản tin đã được cải tiến, đổi mới theo hướng chuyên đề, thể hiện những vấn đề “nóng” của ngành, qua đó bà con nắm bắt kịp thời lịch thời vụ, khuyến cáo của ngành nông nghiệp cũng như học hỏi được nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình hay trên báo chí.

“Đặc biệt, nhiều vấn đề thời sự, nóng hổi của ngành đã được các cơ quan báo chí cập nhật rất đầy đủ và nhanh hơn cả cơ quan chức năng địa phương. Từ nhiều năm nay, báo Nông thôn Ngày nay, báo Nông nghiệp Việt Nam đã trở thành cơm ăn thức uống của tôi và nhiều cán bộ khuyến nông hàng ngày. Nhờ báo chí, chúng tôi kịp thời nắm được tin tức, tình hình sản xuất của bà con, từ đó có hướng chỉ đạo, tuyên truyền hợp lý” – ông Kim Văn Tiêu nói.

Cán bộ khuyến nông tỉnh Bắc Giang tư vấn kỹ thuật chăm sóc gấc giống mới cho gia đình ông Phạm Văn Đông, nông dân huyện Lục Nam. Ảnh: Minh Huệ

Thông tin nhanh nhưng cần đầy đủ, chính xác

Bên cạnh khối lượng lớn tin bài được báo chí phản ánh, năm 2016 TTKNQG cũng tổ chức 21 diễn đàn, 2 hội thi và 8 hội chợ. Trong đó, có 9 diễn đàn tập trung vào những vấn đề nóng của ngành nông nghiệp như chất cấm trong chăn nuôi, thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu; phục hồi gia súc sau rét đậm, rét hại; ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững… Các diễn đàn được tổ chức tại hiện trường đã thu hút hàng nghìn nông dân quan tâm tham dự. Nội dung các diễn đàn này không những phù hợp với sản xuất của bà con từng vùng, miền mà còn kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, từ đó góp phần giảm bớt thiệt hại và nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Khởi – Giám đốc TTKNQG, việc phối hợp thông tin tuyên truyền giữa các cơ quan báo chí và TTKNQG thời gian qua được triển khai khá nhuần nhuyễn, nhịp nhàng. Tuy nhiên trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang tập trung toàn lực triển khai tái cơ cấu và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển như vũ bão, các cơ quan truyền thông báo chí cần tăng cường cập nhật thông tin thường xuyên, đảm bảo tính chính xác, khách quan, nhiều chiều. Tuyệt đối không nên đưa những bản tin không rõ nguồn, một chiều, sẽ khiến nông dân hiểu sai bản chất sự việc, gây bất lợi cho tình hình sản xuất.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/bi-quyet-nuoi-trong/bao-chi-nhu-com-an-nuoc-uong-cua-can-bo-khuyen-nong-752055.html