Báo CAND về với bà con vùng lũ Triệu Sơn (Thanh Hóa)

Sáng 29/9, Đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND - Chuyên đề ANTG và đại diện của Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an huyện Triệu Sơn đến thôn Lai Thịnh (xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề của cơn lũ lụt cục bộ xảy ra đêm 25 rạng ngày 26/9.

Trong ngôi nhà tranh lụp xụp nghi ngút khói hương và màu khăn trắng, đoàn công tác cùng thắp nén hương trước di ảnh anh Lê Đình Hội (26 tuổi), người Công an viên của xã Hợp Thành, bị dòng nước dữ cuốn trôi trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ cho nhân dân chạy lũ. Bà Lại Thị Thúy, mẹ của anh Hội, nỗi đau như nhân đôi. Hai tháng trước đó, ngày 1/7, người cha của anh Hội là ông Lê Đình Nhất, cũng đã ra đi sau một tai nạn thương tâm. Ông Lê Đình Nhất vốn là một Công an viên gắn bó nhiều năm với xã Hợp Thành. Anh Lê Đình Hội vốn đang sinh sống tại miền Nam, vội trở về chịu tang cha. Thấy anh hiền lành, tháo vát, bà con trong thôn tín nhiệm bầu anh làm Công an viên, tiếp bước những công việc mà người cha để lại. Lê Đình Hội vừa mới được tiếp nhận làm Công an viên của xã Hợp Thành từ tháng 8/2009, và trong nhiệm vụ giúp làng, giúp dân quan trọng gần như đầu tiên của người Công an, anh đã hy sinh. Vốn đã gầy yếu, suốt quanh năm đau ốm, liên tục phải thuốc thang, nay lại thêm nỗi đau mất con, người mẹ này gần như đã khuỵu ngã. Liên tiếp chồng chất những nỗi đau mất đi hai người thân yêu nhất, nước mắt bà Lại Thị Thúy không còn nữa để chảy, chỉ là những tiếng hờ khản đặc. Trước di ảnh con, nhận tấm lòng và chia sẻ của Đoàn công tác, người mẹ này vẫn thẫn thờ, thinh lặng như một chiếc bóng. Ông Lê Quang Hiển, Thường trực Ban phòng chống lụt bão, Trưởng ban Giao thông thủy lợi xã Hợp Thành (huyện Triệu Sơn) bùi ngùi cho biết: Đêm 25 rạng ngày 26/9, sau những trận mưa lớn, nước lũ từ các sườn núi dốc bỗng ầm ầm đổ về, tràn qua mặt đê cao 13,6m của lòng hồ Đồng Ngươn, gây ngập lụt nặng cho các thôn trong xã. Vì hàng chục năm nay vùng đất miền núi chịu nhiều mưa gió này chưa từng bị ngập nước, nên người dân trở tay không kịp, bao nhiêu thóc lúa, lợn gà, đồ đạc bị cuốn trôi. Các lực lượng trong xã được huy động tối đa để giúp dân chạy lũ theo tinh thần bốn tại chỗ. Đến khoảng 2h sáng 26/9, nhận thấy tình hình tiếp tục có diễn biến phức tạp, nước đã trắng đồng rồi mà mưa vẫn chưa ngớt, tôi điện thoại cho Trưởng thôn Lai Thịnh là ông Lê Bá Huấn, yêu cầu tăng cường thêm 6 lao động đi tuần tra đê Đồng Ngươn, đồng thời giúp dân bảo vệ tài sản và tính mạng. Vật lộn với mưa lũ hàng tiếng đồng hồ, đến khoảng gần 5h sáng, mọi người cùng tập trung về lán chỉ huy dã chiến dựng bên bờ đê, nhưng kiểm điểm quân số thì thấy thiếu Công an viên Lê Đình Hội. Thoáng nghe tiếng kêu cứu, mọi người vội ùa ra, chỉ thấy chiếc thuyền sắt mà Hội đang điều khiển bị lật, chiếc ghế nhựa, chiếc mũ, đôi dép vẫn dập dềnh trên nước. Suốt hai ngày huy động nhân công và các phương tiện để cật lực tìm kiếm, đến trưa 27/9, thi thể của Lê Đình Hội mới được tìm thấy. Trong đám tang, chính quyền và hàng ngàn người dân địa phương đã đến đưa tiễn người Công an viên trẻ. Báo CAND - Chuyên đề ANTG cũng hỗ trợ gia đình anh Hội 2 triệu đồng. Cũng trong đêm mưa lũ kinh hoàng đó, tại xã Bình Sơn, chị Lương Thị Huệ bị nước cuốn trôi khi đang cứu tài sản của gia đình. Thương tâm hơn, tại xóm 14, xã Thọ Bình (Triệu Sơn), hai em nhỏ Bùi Văn Lợi (10 tuổi), Lương Văn Chỉnh (9 tuổi) cũng bị thiệt mạng, do núi sạt lở đè lên ngôi nhà mà các em đang ẩn trú. Hai đứa vốn là hàng xóm, lại học cùng lớp, là bạn thân với nhau, nên khi nước lũ ngập vào nhà thì Lợi sang nhà Chỉnh để tránh. Chẳng ngờ, hàng trăm khối đất đá sạt vào nhà Chỉnh. Khi bà con kịp băng qua cánh đồng ngập mênh mông nước để đào bới, thì chỉ tìm thấy xác hai em ngập trong đất đỏ. Khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đến thị sát vùng lũ, đã hỗ trợ 20 triệu đồng, yêu cầu địa phương khẩn trương di dời hai ngôi nhà này ra khỏi vùng có nguy cơ cao vì sạt lở đất. Báo CAND cũng hỗ trợ hai gia đình các nạn nhân trên mỗi nhà 1 triệu đồng… Khi chúng tôi rời vùng lũ Triệu Sơn, trời vẫn âm u, gió mạnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Nước ở hồ Đồng Ngươn đang ở mức cao khiến hàng trăm chiến sĩ Công an và 4 thuyền máy của lực lượng Công an vẫn phải túc trực cứu hộ cho 520 hộ dân (1.500 nhân khẩu) phía bờ đê Hòa Phú. Và quanh các khu nhà dân vẫn còn nhiều sườn đồi nứt toác, hở hàm ếch no nước chỉ chực sạt lở. Chính quyền và nhân dân địa phương vẫn chưa hết lo toan…

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/binhyencuocsong/ghichep/2009/9/152208.cand