Bao bì lá cây - văn minh thực phẩm Việt

Thường tôi chỉ thấy ngon miệng khi ăn theo cách nấu và khẩu vị của má. Mỗi người con, dù ở tuổi nào, vẫn là đứa bé được sinh ra và nuôi dạy bằng khẩu vị của người mẹ.

Trong gian bếp sáng lửa lá dừa, bên cái chảo gang, da mặt má tươm mồ hôi, hườm hạnh phúc. Những chiếc bánh xèo trong chảo vàng như đóa hướng dương, được bàn tay cầm vá của người gấp đôi và xếp gọn gàng trên miếng lá chuối. Sức nóng bánh tỏa ra lá chuối rịn hơi ẩm.

Hương vị của bánh, mùi tinh dầu của lá ngậy lên thơm lạ lùng - thứ mùi thơm mỏng manh nhưng tinh khiết đến mức đủ làm bừng lên khát vọng sống. Tôi chưa từng hoài nghi lá chuối và những thứ lá gói luôn đi cùng các món ăn. Sự hòa hợp của thực phẩm và lá gói là chỗ tinh tế nhất trong nghệ thuật nấu ăn của những bà mẹ quê.

Lá dong, lá chuối, lạt tre đã nâng địa vị bánh dày, bánh tét, bánh chưng lên hàng tôn kính trong ngày tết Việt

Bốn điều kiện của một bữa ăn ngon từng được tổng kết là: thức ăn ngon, lúc ăn ngon, chỗ ăn ngon và người cùng ăn ngon. Không thấy nói gì đến lá gói. Người Hoa Minh Hương, từ khi được Chúa Nguyễn cho phép lánh nạn ở xứ Ðàng Trong, mang theo văn hóa gói giấy.

Từ nhỏ xíu như cây kẹo đục, cái bánh tiêu đến con vịt quay, con heo quay... những cửa hiệu người Hoa luôn dùng giấy để gói. Tùy theo giá trị món hàng mà họ gói giấy mới hay giấy tái sinh; giấy có màu, có in hoa văn hay giấy trơn.

Người Sài Gòn - Gia Ðịnh bị hấp dẫn bởi bản sắc ấy nhưng chưa bao giờ tự ti mà từ bỏ nền văn hóa - văn minh gói lá của mình. Tôi vẫn nhớ những sáng đến trường, ghé gánh hàng rong mua bánh tằm, xôi, bắp giã... mở vội gói lá chuối và xúc ăn bằng muỗng lá dứa gai. Có thứ màu giấy nào, bao ni-lông nào có độ bóng tinh khiết như lá chuối?

Người Việt có bao nhiêu thứ thực phẩm dùng bao bì lá. Lá dong, lạt tre đã nâng địa vị bánh dày, bánh chưng lên hàng tôn kính trong ngày tết. Ở một tỉnh heo hút xứ Canada xa xôi, tết nào chị tôi cũng áy náy về chuyện phải gói bánh cúng tổ tiên bằng giấy tráng bạc. Con trai tôi, dù chưa từng thưởng thức, nhất định “cãi” khi bạn nó nói cốm làng Vòng gói bằng gì cũng ngon. Nó hùng hổ: “Bạn lười đọc sách. Chỉ gói trong lá sen mới là nhất!”.

Ngay cả những món ăn chưa được nhận là tinh khiết như các loại mắm sống của người miền Nam, khi được gói bằng lá môn, độ dày và lớp lông mịn của lá đã giữ cho mùi mắm không gây phiền hà. Một phong cách lịch sự dân dã. Những món ngon hòa hợp tuyệt đối giữa thực phẩm và các loại lá gói. Nào bánh tét, bánh ít, bánh gai, bánh giò, bánh chưng, bánh lá, bánh nậm... thật không thể kể hết.

Nếu mùi hương là phần hồn của sự sống, các loại bánh gói bằng lá là thứ thực phẩm có phần hồn đã chín qua lửa. Thậm chí các loại lá còn được dùng để bảo quản thực phẩm tự nhiên hoặc thực phẩm chế biến. Bánh tráng, bún lót lá luôn mềm dẻo. Bao bì lá có tính năng như một tủ lạnh (ngắn hạn) giữ tươi cá, thịt, rau...

Có người cho rằng thức ăn ngày nay thiếu phẩm chất, thiếu tinh tế. Quả vậy! Trước đây tôi thích ăn nem Thủ Ðức, Lai Vung... vì nghiện cái vị vừa chát vừa bùi của lá dong, lá chùm ruột ăn chung với miếng nem. Ngày nay, nem bị gói trong miếng ni-lông, bị tước bỏ nét duyên dáng, chỉ còn là “cô nàng” đầy mặc cảm bên cạnh các “ả” giăm-bông xúc xích béo phì.

Nhiều người dần chấp nhận bánh phu thê, bánh ú, bánh dừa, chả lụa, nem và vô số thực phẩm xuất hiện ở các chợ, siêu thị, bữa ăn lễ, tết, trong dạng bao bì công nghiệp. Số phận mong manh của lá gói đang bị thách thức. Dù vậy, không ai tin những thứ tiện dụng như bao bì ni-lông có thể thay đổi ký ức người Việt - phần ký ức và hiện tại thấm đẫm màu sắc, mùi hương tỏa ra từ các loại lá gói.

Chúng ta thật sự nên dùng các loại bao bì chế từ hạt nhựa, giấy tráng bạc…? Tôi không thấy có gì bảo đảm những thứ bao bì đó đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng. Tất nhiên không thể phủ nhận sự tiện dụng của các loại bao bì mới, nhưng tôi không cho rằng dùng bao ni-lông và những dạng bao bì công nghiệp là tiến trình tất yếu của đời sống văn minh.

Tại sao loại bao bì chính cho sự tiêu dùng hôm nay và tương lai không là lá và những chế phẩm từ lá? Tôi tin vào lá gói cùng những ý thức, hành động trong việc sử dụng lá gói. Con người sẽ luôn thủy chung, tinh khiết hết mực với thiên nhiên, cội nguồn của sự sống.

Con em chúng ta, nếu được khuyến khích dùng bao bì lá, chúng có thể hồn nhiên vứt thứ bao bì ấy vào thùng rác mà không phải áy náy về môi trường sống của chính chúng hôm nay và loài người tương lai. Chúng cũng không phải sợ hãi một tương lai thế giới ngập chìm trong rác hoặc những nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Bao bì lá phải chăng chỉ là một thứ nguyên sơ, chỉ tồn tại ở những dân tộc đang phát triển? Liệu thứ bao bì ở dạng “hái lượm” đó sẽ được/bị thay thế bằng những thứ “tiến bộ” hơn khi hội nhập cùng tiến trình văn minh?

Trần Tiến Dũng

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/nhip-song-thi-dan/bao-bi-la-cay--van-minh-thuc-pham-viet-107803/