Bánh trung thu: Nhiều nhãn hiệu lớn hết hạn bảo hộ

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu tích cực quảng bá bằng việc dựng hàng loạt quầy hàng với nhãn hiệu được in to, sang trọng, cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết không nhiều doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu riêng cho mặt hàng này.

Bánh trung thu thời nay có nhiều hương vị mới. Ảnh: Phạm Bình

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết hiện có khoảng 400 doanh nghiệp đăng ký sản xuất bánh trung thu.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho riêng mặt hàng này mà chỉ đăng ký chung cho tất cả các sản phẩm bánh kẹo của mình. Ngay cả Kinh Đô - doanh nghiệp lớn nổi tiếng về bánh trung thu – cũng không đăng ký nhãn hiệu riêng cho sản phẩm này. Nguyên nhân là bánh trung thu chỉ sản xuất theo mùa nên các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu có nội dung rộng.

Kiểm tra 30 nhãn hiệu đầu tiên trong số 400 nhãn hiệu bánh kẹo có mặt hàng bánh trung thu kể trên, kết quả cho thấy tất cả đều đã hết hạn hiệu lực bảo hộ một chu kỳ và theo ông Nguyễn Thanh Bình, những doanh nghiệp này chưa làm thủ tục đăng ký bảo hộ trở lại.

Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu gia truyền, kinh doanh ở quy mô hộ cá thể tại Hà Nội lại đăng ký nhãn hiệu riêng cho bánh trung thu như tiệm bánh Bảo Phương ở Thụy Khuê, tiệm bánh Phương Soát ở Hàng Chiếu, tiệm bánh Ninh Hương ở Hàng Điếu… Trong số này, chỉ có nhãn hiệu Phương Soát đã hết hạn bảo hộ, các nhãn hiệu còn lại đều còn hiệu lực.

Theo ông Bình, việc không đăng ký nhãn hiệu hoặc không đăng ký lại khi đã hết thời hạn bảo hộ sẽ khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ mất nhãn hiệu và tình trạng bị làm giả sản phẩm mà không kiện được rất dễ xảy ra. Khi đó, cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều bị thiệt thòi.

Bích Ngọc

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/suc-khoe/banh-trung-thu-nhieu-nhan-hieu-lonhet-han-bao-ho/20160914113844465p1c784.htm