Bánh mứt Tết: Hàng nội "dội" hàng ngoại

Do tâm lý người tiêu dùng lo sợ bánh kẹo không rõ nguồn gốc nên hàng nội có cơ hội được "lên ngôi" trong dịp Tết năm nay.

Mứt thắng thế Hiện, tại các quầy bánh mứt trong siêu thị (ST), hàng Việt Nam đang chiếm đa số. Điển hình như tại ST Big C, bày bán khoảng 50 loại bánh mứt, kẹo, trong đó hàng Việt chiếm 95%. Bà Dương Thị Quỳnh Trang - phụ trách đối ngoại Big C cho biết, hai nhà cung cấp lớn là Thành Long - ở phía Nam và Đức Hạnh ở phía Bắc cùng một số thương hiệu nhỏ, sẽ cung cấp một lượng hàng phong phú, đặc trưng của các miền cho khách hàng. Đặc biệt, năm nay, cơ sở Thành Long đưa ra nhiều hương vị mới cho sản phẩm mứt truyền thống như mứt mãng cầu dâu tây, mứt mãng cầu nho, mứt xoài dẻo, mứt đu đủ... Đặc biệt, các hộp mứt tứ quý rất tiện lợi cho gia đình ít người, vì có đủ các loại mứt. Hệ thống ST Co.op Mart cũng có hơn 300 mặt hàng bánh mứt. Bà Thục Quỳnh - phụ trách marketing Co.op Mart nhấn mạnh, Tết này là dịp để các nhà sản xuất Việt Nam lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó, chất lượng là yếu tố quyết định, tạo đà cho những dịp lễ Tết năm sau. Mặt khác, Co.op Mart cũng thể hiện thái độ ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam làm ăn nghiêm túc bằng cách hạn chế nhập khẩu bánh mứt ngoại nhập. Tại cơ sở sản xuất Thành Long, không khí mua bán tấp nập, có hơn 20 chủng loại bánh mứt truyền thống được làm từ các loại trái cây Việt Nam. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở các ST lớn, mà còn có nhiều mối hàng bán lẻ ở miền Trung, miền Bắc. Bà Phạm Thị Ngọc Thúy - chủ cơ sở sản xuất bánh mứt Thành Long phấn khởi cho biết, chưa Tết nào mà lượng đặt hàng của ST, các đầu mối nhiều như năm nay, hơn 100 tấn mứt, tăng 50% so với năm ngoái. Năm nay, cơ sở đưa ra nhiều loại bao bì đẹp mắt, mỗi hộp quà có nhiều loại bánh mứt để người tiêu dùng dễ chọn lựa. Công đoạn đóng gói thành phẩm mứt tại Cty Thành Long - Ảnh: P.Huy Tương tự, thương hiệu mứt L.X. Tết này cũng nâng sản lượng lên 70 tấn, tăng 20 tấn so với năm ngoái. Các loại mứt chủ đạo là gừng, hạt sen, bí đao, cà rốt... đều được đóng gói, hút chân không, kéo dài thời gian bảo quản từ ba - sáu tháng, thay vì một tháng như trước đây. "Mọi năm, tiểu thương không cho để nguồn gốc nhưng nay đã khác, họ cam kết ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để chuẩn bị cho mùa Tết này, cơ sở đầu tư thêm hai tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất. Mứt được nấu bằng hơi, không phải bằng lửa than, nên sẽ không bị cháy, mà đường ngấm mứt rất đậm. Bao bì cũng được chăm chút với hộp bìa có in hình hoa văn truyền thống, gần gũi phong tục ngày Tết" - đại diện cơ sở này cho biết. Nhãn hàng Vinamit cũng thử nghiệm hộp quà mứt gồm năm loại trái cây. Dù giá khá cao, từ 90.000đ - 150.000đ/hộp, nhưng vẫn không đủ cung ứng. Được biết, do nguồn nguyên liệu phải yêu cầu tươi, ngon không đủ nên hiện nay công ty đã ngưng đặt hàng. Các nhãn hàng "gia đình" như Ngọc Sáng, Hà Nội, Như Lan... cũng đưa ra thị trường nhiều loại mứt có thể để lâu như mứt mãng cầu, me, tắc, gừng... Riêng mứt dừa giờ chót mới được tung ra. Giá mứt năm nay tăng khoảng 5.000đ-10.000đ/kg so với mọi năm, do giá đường tăng. Xu hướng là dùng bánh mứt đóng gói sạch sẽ, có ghi nhãn mác rõ ràng. Cú "soán ngôi" của bánh kẹo Các loại bánh kẹo nội địa cũng được dự đoán là sẽ "soán ngôi" các loại bánh kẹo ngoại có xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia... Các thương hiệu như Kinh Đô, Vinabico, Bibica, SNFood, Hải Hà... đều có kế hoạch tăng cường dự trữ và giới thiệu nhiều mẫu mã mới. Ngay cả các hệ thống ST có vốn đầu tư nước ngoài như Metro, Lotte Mart cũng bày bán phần lớn bánh, kẹo, mứt của Việt Nam. ST Maximark Cộng Hòa ưu tiên bày bán hàng Việt Nam. Theo các tiểu thương ở đường Lê Quang Sung, Q.6, các loại bánh mứt của Trung Quốc giảm thị phần gần 30%. Các loại bánh kẹo Việt Nam đang "soán ngôi" bánh kẹo ngoại Công ty Kinh Đô dự kiến đưa ra thị trường gần 30 triệu hộp bánh kẹo các loại trong dịp Tết, tăng 15% so với Tết 2009. Năm nay, Kinh Đô còn đẩy mạnh khai thác phân khúc sản phẩm cao cấp, tăng 50% sản lượng so với cùng kỳ, với số lượng 1,5 triệu hộp. Các loại bánh như cookies, bánh nhân kem, bánh quế, bánh bông lan, kẹo, chocolate... trong hai loại hộp giấy và hộp thiếc mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Riêng Vinabico đã giới thiệu bộ sưu tập với ba dòng sản phẩm: mứt Tết, lộc xuân, bánh bơ thập cẩm và kẹo dẻo, với hương vị trái cây. Trong đó, có hai dòng sản phẩm bánh mứt truyền thống kết hợp giữa hương vị truyền thống và hiện đại. An toàn vệ sinh thực phẩm: không thể lơ là! Những tín hiệu lạc quan của ngành sản xuất bánh, kẹo, mứt Việt Nam dường như vẫn chưa làm an tâm người tiêu dùng khi vẫn còn nhiều vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng "hồn Trương Ba da hàng thịt" vẫn nhan nhản khắp nơi. Các mặt hàng như xí muội, hạt hướng dương... đang bị "thay da đổi thịt". Ở chợ Bình Tây và một số cửa hàng trên đường Lê Quang Sung, Bãi Sậy, Q.6 vẫn còn bày bán nhiều sản phẩm vỏ hộp mang mác ngoại nhưng bên trong là các loại bánh không rõ nguồn gốc. Phần lớn có vỏ hộp khá hoành tráng, bắt mắt, nhưng giá chỉ từ 50.000đ - 70.000đ/hộp, chủ yếu là hàng "nhái" các dòng sản phẩm bánh quy nổi tiếng của Dbent, Danson như Classic, Red Rose... Người dân rất khó nhận dạng khi sản phẩm đều được dán tem - nhưng là loại tem tự chế. Tính từ thời điểm bắt đầu vào vụ làm bánh mứt Tết, lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng liên quan đã kiểm tra và phát hiện hàng chục vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, chủ yếu là không công bố tiêu chuẩn chất lượng, không hóa đơn, chứng từ, không nhãn phụ... Vì thế, để người dân yên tâm, việc kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng không xuất xứ cần được tăng cường hơn nữa. Theo PNO

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/20100113080159542tm0ca97/banh-mut-tet-hang-noi-doi-hang-ngoai