Bánh gai Chiêm Hóa - món quà quê chỉ với giá 10.000 đồng

Làm bánh gai khó giàu, nhưng những người quê vẫn gắn bó với nghề, bởi họ muốn lưu giữ một nghề truyền thống với một sản phẩm mang đậm hương vị quê hương.

Tại các gia đình làm bánh gai ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, lá gai được trồng thành vườn rộng lớn.

Gia đình chị Trần Thị Hà (40 tuổi, ở Phúc Hương 1, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là một trong số những gia đình vẫn giữ nghề làm bánh gai truyền thống. Để chuẩn bị cho một mẻ bánh, lá chuối, lá gai được thu hoạch, phơi khô dưới ánh nắng.

Lá gai được luộc nhừ và giã nhuyễn trước khi nấu với đường. Nước đường và lá gai nấu thành thứ nước sánh, có màu đen bóng. Hỗn hợp được để nguội trước khi trộn với bột gạo nếp.

Nhân bánh gai được làm bằng đậu xanh, dừa và một miếng mỡ lợn nhỏ đã được tẩm đường.

Chị Hà chia sẻ: "Thời gian làm một mẻ bánh hoàn chỉnh khoảng 7 giờ đồng hồ. Thông thường, tôi dậy từ 4h để làm công việc này".

Bánh được nặn tròn, rắc vừng ở ngoài, sau đó gói trong lá chuối. Điểm đặc biệt, bánh gai ở Chiêm Hóa được gói thành cặp chứ không gói 1 cái như ở các nơi khác. "Vì lá chuối khá dài, gói thành cặp để tiết kiệm lá, tiết kiệm thời gian gói bánh", chị Hà tiết lộ.

Chị Hà tâm sự, mỗi ngày gia đình chị gói khoảng 100 cặp bánh gai Giá bán mỗi cặp bánh là 10.000 đồng, tính ra cũng được lãi khoảng vài trăm nghìn. Ngoài gia đình chị Hà, ở Chiêm Hóa còn có hàng chục gia đình khác làm nghề này. Tính trung bình mỗi gia đình sản xuất khoảng gần 200 cặp bánh mỗi ngày.

Bánh sau khi đã gói hoàn chỉnh, được xếp vào nồi hấp cách thủy. Ở huyện Chiêm Hóa, đa phần người dân vẫn dùng bếp củi để đun nấu.

Bánh gai chín được vớt ra, để ráo nước. Mặt ngoài của lá chuối se lại, vẫn giữ được màu bàng bạc chứ không chuyển màu sậm đỏ như bánh ở nhiều nơi khác. Chưa cần bóc bánh, mùi thơm đặc trưng của lá chuối đã khiến thực khách muốn được thưởng thức.

Bánh gai Chiêm Hóa không có chất bảo quản, nên chỉ có thể sử dụng 2-3 ngày kể từ thời điểm sản xuất. Để trong tủ lạnh sẽ giữ được lâu hơn, tuy nhiên bánh sẽ bị đông cứng lại, phải hấp mềm trước khi ăn.

Là loại bánh ngọt, nhưng vị ngọt của bánh gai Chiêm Hóa rất thanh, không gây cảm giác khé cổ. Khi thưởng thức, nhân đậu xanh quện với dừa tươi cho ta vị ngậy bùi. Bánh có mùi thơm của lá gai, phảng phất mùi của lá chuối khô. Cũng bởi hương vị đặc biệt của bánh gai Chiêm Hóa mà mỗi ngày, theo các chuyến xe khách, hàng nghìn cặp bánh đã được vận chuyển để làm quà cho nhiều mọi người ở khắp các tỉnh thành khác.

Thùy Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/banh-gai-chiem-hoa-mon-qua-que-chi-voi-gia-10000-dong-post684062.html