Băng vết thương bị dính, phải làm sao?

Tôi có 3 cậu con trai rất hiếu động, thường xuyên đùa giỡn nên hay bị những vết thương, vết trầy trụa nhỏ.

Hè này, 3 bé được cho đi học đá bóng và võ thuật, nên ở nhà lúc nào cũng phải sẵn có băng cá nhân, gạc y tế, thuốc sát trùng… Tuy các vết thương nhỏ nhưng mỗi lần thay băng thì băng đều bị dính vào vết thương khiến các cháu đau, khóc. Có cách nào để xử lý vết thương không bị dính vào băng không, nhất là với cháu nhỏ 5 tuổi? (Trần Vân Anh, quận Gò Vấp, TP HCM)

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM:

Việc băng lại vết thương hở là cần thiết, giúp tránh nhiễm trùng do tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Việc miếng băng sau khi sử dụng bị dính vào vết thương mà chị gặp khá phổ biến và đúng là nó gây nhiều phiền toái.

Đối với cả trẻ em lẫn người lớn, cách tốt nhất để xử lý khi băng cá nhân, gạc y tế bị dính vào vết thương, đó là hãy thấm tí nước muối sinh lý lên băng, băng sẽ từ từ mềm ra và dễ gỡ. Chị có thể dễ dàng tìm mua nước muối sinh lý tại các nhà thuốc. Việc gỡ băng cần tiến hành nhẹ nhàng và chậm rãi. Nếu giật mạnh băng ra có thể kéo theo cả những mô hạt vừa mới được tái tạo, khiến quá trình lành thương bị ảnh hưởng, thậm chí có thể làm chảy máu trở lại.

Ngoài ra, chị có thể dùng dầu mù u khi băng vết thương để tránh dính băng khi gỡ. Dầu mù u này nên tìm mua tại các nhà thuốc, rẻ tiền và hiệu quả điều trị vết thương rất cao. Cách dùng đơn giản: thấm vào miếng gạc/miếng băng trước khi băng, tương tự cách dùng các loại thuốc sát trùng khác. Dầu mù u vừa có tác dụng chống nhiễm trùng tốt, hạn chế sẹo khi lành thương, vừa giúp băng không bị dính vào vết thương và có thể gỡ ra dễ dàng khi thay.

Ngoài ra, nên lưu ý rằng vết thương dù nhỏ trước khi băng lại cũng phải rửa sạch, loại bỏ đất cát dính vào vết thương. Việc dùng băng cá nhân xử lý vết thương chỉ phù hợp với những vết thương thật nhỏ, các vết trầy xước thông thường. Các vết thương có diện rộng, sâu, khiến bé đau nhiều cần phải để bác sĩ chuyên khoa xử lý hay vết thương nhỏ mà sưng, nhiễm trùng, gây cảm giác khó chịu nhiều thì cũng phải đi khám.

Anh Thư thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/bang-vet-thuong-bi-dinh-phai-lam-sao-2017081909135955.htm