Bằng chứng DN trong nước khó, nâng niu nước ngoài

(Doanh nghiệp) - Bên cạnh khó khăn về nguồn nhân lực, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy.

Trung Quốc đầu tư dệt may: Nếu làm ven biển phải... tỉnh Dệt may Việt khó giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

Tuy nhiên, việc đền bù giải phóng mặt bằng lại gặp khó khăn hơn nhiều do Luật Đất đai sửa đổi quy định chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân để chuyển quyền sử dụng đất. Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 6/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, về mặt thu hồi đất, Nhà nước không thể làm dễ dãi như thời gian trước đây, đây là một bài học chúng ta phải khắc phục.

"Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ được an tâm do Luật Đất đai sửa đổi quy định rõ cơ chế về đất sạch để các nhà đầu tư tham gia đấu thầu với thủ tục đơn giản hơn. Luật cũng quy định nhận chuyển nhượng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, và thuê quyền sử dụng đất của người sử dụng đất có mặt bằng để thực hiện dự án", Bộ trưởng nói.

Ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, hiện nay cả nước có 102.000 ha đất ở trong các Khu công nghiệp nhưng chỉ mới được lấp đầy 60%.

"Trong quy hoạch đến năm 2020 chúng ta còn khoảng 200.000 ha nữa; đây là cơ hội để các nhà đầu tư tiến hành các dự án", Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tin tưởng.

Ưu đãi cho DN nước ngoài

Cùng lúc, khi các dự án liên quan đến lĩnh vực dệt may của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào Việt Nam trong đó chiếm phần chủ yếu là các DN đến từ Trung Quốc lại có được những ưu đãi về thuế, đất, việc tiếp cận vốn nhiều hơn nhiều so với các DN trong nước.

Cụ thể, tại Nam Định, vừa qua Công ty Luenthai (Hong Kong, Trung Quốc) Công ty Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc) dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công xây dựng KCN dệt may có quy mô gần 1.500 ha tại Nghĩa Hưng với tổng kinh phí xây dựng dự án khoảng 400 triệu USD.

Trước đó, vào tháng 3/2014, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh. Dự án có công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm.

Từng trao đổi với PV Đất Việt, ông Đỗ Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định cho biết dự án KCN dệt may với quy mô gần 1.500 ha tại Nghĩa Hưng, để làm được còn lâu do còn liên quan đến đất đai, hạ tầng, hiện nhà đầu tư đang đề xuất với tỉnh chưa thật rõ ràng. Chấp thuận thế nào tỉnh còn phải xin ý kiến của các Bộ ngành trung ương.

“Khi các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất việc đặt khu công nghiệp tại Nam Định, Sở cũng có những ý kiến của mình để tham gia góp ý cho tỉnh. Hiện phía nhà đầy tư chưa có phương án cụ thể về việc sử dụng nhân công bao nhiêu và đóng mức thuế bao nhiêu…”, ông Hòa nói.

Thực tế, để xây dựng KCN tại Nghĩa Hưng, phía nhà đầu tư đã đề nghị Nam Định cho phép xây dựng một nhà máy điện, một cầu cảng vận chuyển hàng hóa để phục vụ hoạt động của khu công nghiệp.

Về những đề xuất này, ông Đỗ Ngọc Hòa cho hay, khi các nhà đầu tư này quyết định đầu tư ở Nam Định thì đương nhiên tỉnh phải có những chính sách ưu đãi đầu tư.

Hà Anh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bang-chung-dn-trong-nuoc-kho-nang-niu-nuoc-ngoai-3045488/