Bản Yêu sách 8 điểm

- Cách đây 90 năm, ngày 18/6/1919, văn kiện “Những yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã được gửi tới Hòa hội Versailles, nơi các nước thắng trận họp để phân chia trật tự thế giới sau Đại chiến lần thứ nhất. Văn kiện này cũng được gửi tới Tổng thống Mỹ Wilson, một số đoàn đại biểu tham dự (trong đó có Nicaragoa) và được đăng tải trên nhiều tờ báo ở Pháp.

Nội dung yêu sách gồm 8 điểm: “1.Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2.Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng đuợc quyền đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu, xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; 7. Thay chế độ các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”. Văn kiện này cũng được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn ở Pháp vào thời điểm này. Cùng ngày, một bức thư cũng ký tên Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Tổng thống Mỹ viết: “Chúng tôi mạn phép gửi đến Ngài, kèm theo đây là bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam. Tin tưởng ở lòng độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền...”. Nguyễn Ái Quốc lúc đầu là tên chung của cả nhóm người Viêt Nam yêu nước gồm: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Thế Truyền, sau đó Nguyễn Tất Thành đứng ra chịu trách nhiệm trước chính quyền thực dân về văn bản này và kể từ đó cái tên Nguyễn Ái Quốc trở nên nổi tiếng gắn với một thời kỳ hoạt động sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận xét về văn kiện này Bộ Nội vụ Pháp khẳng định: “Qua cuộc điều tra... có thể rút ra kết luận rằng hiện nay linh hồn của phong trào đó chính là Nguyễn Ái Quốc”. Nội dung bản yêu sách này còn được Nguyễn Ái Quốc “diễn ca” bằng quốc ngữ để truyền bá sâu rộng trong cộng đồng Việt kiều và trong nước, với lời kết luận thống thiết: “Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt/ Thế cuộc này phải biết mà lo/ Đồng bào, bình đẳng, tự do/ Xét mình rồi lại đem so mấy người/ Ngổn ngang lời vắn ý dài/ Anh em đã thấu lòng này cho chưa”. X&N

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/3921/201006/Ban-Yeu-sach-8-diem-1756832/