Bán vốn Vinamilk, SCIC có được hạch toán doanh thu?

“Thực ra là hạch toán vào đâu thì cuối cùng cũng vào tài sản của Nhà nước thôi mà”.

Bán vốn Vinamilk, SCIC có được hạch toán doanh thu? (Ảnh: Internet)

Cuối năm 2016, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước ( SCIC ) đã bán đấu giá thành công 78.378.300 cổ phần VNM (CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk ), tương ứng với 5,4% cổ phần, cho hai nhà đầu tư ngoại, là F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring PTE.LTD.

Với giá đấu thành công là 144.000 đồng/cổ phần, Nhà nước – thông qua SCIC – đã thu về 11.286,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất mới được SCIC công bố cho thấy, tổng doanh thu từ bán các khoản đầu tư mà tổng công ty này ghi nhận cho năm 2016 chỉ là 4.860 tỷ đồng.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cũng cho thấy, ngân lưu tiền thu từ bán, thoái các khoản đầu tư tài chính chảy về công ty trong năm cũng chỉ là 5.583 tỷ đồng.

Qua đó, có thể hiểu rằng, SCIC đã không hạch toán số tiền thu về việc thoái 5,4% vốn tại Vinamilk như một khoản doanh thu.

4.860 tỷ đồng doanh thu từ bán các khoản đầu tư mà tổng công ty này ghi nhận cho năm 2016 hoàn toàn được ghi nhận từ việc thoái vốn tại các doanh nghiệp khác, chứ không có sự đóng góp từ Vinamilk.

Được biết, theo Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy định khác, SCIC sẽ không được ghi nhận doanh thu từ việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk.

Điều này cũng lý giải tại sao, nhìn sơ qua, kết quả kinh doanh mà SCIC thực hiện năm 2016 hầu hết đều không đạt so với chỉ tiêu đã đề ra tại Quyết định số 16/QĐ-ĐTKDV.HĐQT ngày 19/4/2016 của Hội đồng thành viên. Song thực chất, kết quả thực hiện của SCIC trong năm 2016 đều đạt và vượt kế hoạch; Bởi Quyết định 16 dựa trên việc tính toán bao gồm cả trường hợp của Vinamilk.

Chủ tịch HĐQT SCIC Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: Ninh Giang)

Trao đổi với phóng viên trong cuộc họp báo công bố lộ trình bán vốn nhà nước tại Vinamilk chiều 4/8, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC cho biết: “Việc thoái vốn tại Vinamilk sẽ căn cứ vào quy định của các cấp có thẩm quyền của Nhà nước để xác định xem mình phải hạch toán vào đâu.”

Tuy vậy theo vị lãnh đạo SCIC: “Thực ra là hạch toán vào đâu thì cuối cùng cũng vào tài sản của Nhà nước thôi mà. Không có vấn đề gì khác. Kể cả hạch toán doanh thu thì cũng chỉ là một bước để đưa vào sổ sách hoạt động tương đối của SCIC, rồi sau đó cũng lại được chuyển vào ngân sách nhà nước theo quy định”.

Theo kế hoạch tài chính trung hạn mà Quốc hội đã thông qua, trong 5 năm tới, tổng nguồn thu từ thoái vốn Nhà nước được xác định là khoảng 300.000 tỷ đồng, riêng năm 2017 là 60.000 tỷ đồng.

“Bằng cách nào thì chúng ta cũng hiểu rằng, đây là tài sản của Nhà nước và cuối cùng cũng đưa vào ngân sách nhà nước, để thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội thông qua”, ông Chi tái khẳng định.

Theo tìm hiểu, việc không hạch toán doanh thu từ kết quả thoái vốn tại Vinamilk sẽ làm giảm số trích lập tại một số quỹ phúc lợi của SCIC, phần nào ảnh hưởng tới đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên.

Bởi, theo quy định tại Điều 34. Phân phối lợi nhuận, Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và chơ chế hoạt động của SCIC: “Lợi nhuận của Tổng công ty sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối như sau:

a) Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có).

b) Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp.

c) Lợi nhuận còn lại, sau khi trừ đi các khoản quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này, được phân phối như sau:

- Trích lập quỹ thưởng viên chức quản lý Tổng công ty, quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định.

- Trích lập quỹ thưởng thành tích bán vốn bằng 10% chênh lệch giữa tổng tiền thu bán vốn tiếp nhận trong năm với giá được xác định lại theo quy định tại Điều 8 Nghị định này, chi phí bán và thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không quá 3 tháng lương thực hiện.

- Phần lợi nhuận còn lại được chuyển toàn bộ vào quỹ đầu tư phát triển.

2. Hội đồng thành viên xem xét, phê duyệt báo cáo tài chính hàng năm và quyết định phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty”.

Theo Quyết định số 17/QĐ-ĐTKDV.HĐTV ngày 30/03/2017 của Hội đồng thành viên, SCIC đặt chỉ tiêu tổng doanh thu cho năm 2017 ở mức 11.241 tỷ đồng, tổng chi phí ở mức 2.911 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế TNDN 8.330 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế TNDN 7.343 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2017 nói trên đã được bộ tài chính có ý kiến tạm thời chấp thuận tại công văn số 4175/BTC-TCDN ngày 29/03/2017./.

Ninh Giang -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ban-von-vinamilk-scic-co-duoc-hach-toan-doanh-thu-132694.html