Bản tin tiêu dùng 10/10: Nước mắm công nghiệp và 17 loại hóa chất

Bản tin tiêu dùng nổi bật nhất ngày hôm nay với thông tin về công thức tạo nên nước mắm công nghiệp chỉ từ 2 nguyên liệu là nước và hóa chất.

Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp

Đó là tiêu đề trên báo Thanh niên ngày hôm nay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo Thanh niên phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường.

Theo bài báo, người dân VN mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200 - 7.500 tỉ đồng (số liệu của Tổng cục thông kê). Còn theo số liệu của Euromonitor, năm 2015, nước mắm công nghiệp chiếm 76% và nước mắm truyền thống chỉ đạt 24% thị phần. Nước mắm công nghiệp có mặt tại khắp ngang cùng ngõ hẻm, từ tiệm tạp hóa nhỏ lẻ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại… với hàng trăm nhãn hàng khác nhau.

Bài báo đưa ra những câu chuyện về việc sử dụng nước nắm từ những hộ gia đình ở Bình Dương, những chợ quê ở Huế, cho đến những siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh. Hầu như, nước mắm mà mọi người đang sử dụng phần lớn là nước mắm công ngiệp. Bởi, giá thành rẻ và tiện dụng.

Tuy nhiên, song hành với sự rẻ và tiện dụng đó, báo Thanh Niên dẫn thông tin của một chuyên gia thực phẩm rằng, trong nước nắm công nghiệp có thể chứa 17 loại hóa chất. Ngoài nước, muối, đường và tinh cốt cá cơm các chất trong chai nước mắm công nghiệp gồm: chất điều vị, chất bảo quản, hương cá hồi tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp, màu tự nhiên chiết xuất từ trái dành dành, chất điều chỉnh độ a xít, chất làm dày, màu tự nhiên… Đáng ngạc nhiên là ở các loại nước mắm Nam Ngư và Chin Su thì thành phần chính chỉ là “tinh cốt cá” và “hương cá” nhưng không ghi rõ là bao nhiêu.

Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp - Ảnh minh họa

Phân tích trên Báo Thanh Niên, bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía nam của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm phía VN, nhận xét: “Việc một sản phẩm không để rõ hàm lượng bao nhiêu là cách đánh đố người tiêu dùng. Nếu chỉ ghi có “tinh cốt cá cơm” thì một giọt cũng coi như đã có rồi. 1 giọt tinh cốt cá cơm đó nếu có, nhỏ vào trong 1 lít nước mắm hay cả chục lít chẳng hạn, thì chất lượng “cá cơm” ở đâu? Việc một chai nước mắm mà phụ gia có đến 17 loại có thể ví như hành động đong nước hòa hóa chất để bán lấy tiền chứ sao gọi là nước mắm”.

Theo bác sĩ Ký, những phụ gia này tất nhiên được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Là hóa chất nhưng đã tạo vị ngon thật, nó tạo nên một gu, thói quen dùng nước mắm trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, một chai nước mắm 0,5 lít mà có đến 17 hóa chất là quá nhiều bởi đây là loại thực phẩm dùng hằng ngày. Bác sĩ Trần Văn Ký cho biết: “Về lâu dài, sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nếu cứ nạp liên tục mỗi ngày, mỗi bữa lượng hóa chất vào người thế này, cho dù là hóa chất được phép dùng trong thực phẩm. Nó không có tác hại ngay lập tức, nhưng tích tụ dần sẽ gây nên chứng chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ... Những sản phẩm nước mắm gần cả hai chục loại hóa chất thế này, chỉ có bán cho dân mình ăn, xuất khẩu các nước không chịu đâu, trừ khi bán cho các thị trường thấp hơn thị trường VN”.

Vụ quẹt thẻ trừ gần 700 triệu đồng: Khách hàng nhầm địa chỉ nhà hàng

Đó là thông tin trên Zing.vn đăng ngày hôm nay. Theo đó, sáng ngày 10/10 trao đổi với Zing.vn, bà Lê Kim Yến, người đại diện cho ông Caracciolo David John để giải quyết vụ máy quẹt thẻ "nuốt" gần 700 triệu sau bữa ăn tối, cho biết sau khi trao đổi thêm thông tin, vị khách này khẳng định đã nhầm địa chỉ nhà hàng.

Trước đó, tối 11/8, vị khách này đã sử dụng dịch vụ và quẹt thẻ thanh toán tại nhà hàng phố Nguyễn Siêu, phường Bến Nghé chứ không phải phố Thái Văn Lung như thông tin ban đầu.

Địa chỉ mới cũng trùng khớp thông tin đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cùng nội dung trong bảng sao kê được ngân hàng gửi cho vị khách này.

Tuy nhiên, theo Zing.vn, quán ở phường Bến Nghé, quận 1 đã đổi chủ, sang tên thành quán bar. Người dân sống trong khu vực cũng xác nhận địa điểm này trước đây đúng là nhà hàng như vậy, nhưng đã ngừng hoạt động khoảng 1 tháng nay.

Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Trí Viễn, Chánh văn phòng Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận thông tin và khẩn trương phối hợp với cơ quan điểu tra để sớm làm rõ vụ việc này. Quan điểm của sở là không để thông tin, hình ảnh không tốt ảnh hưởng xấu đến du lịch thành phố.

Vụ khách hàng quẹt thẻ trừ gần 700 triệu đồng là khách hàng nhầm địa chỉ - Ảnh minh họa

Nước rửa tay chứa Triclosan tràn ngập thị trường

Theo khảo sát của Phóng viên Chất lượng Việt Nam, thị trường nước rửa tay tại Hà Nội tràn ngập sản phẩm chứa Triclosan (một trong 19 chất mà tháng 9 vừa qua FDA cấm lưu hành trên thị trường Mỹ).

Tác hại của Triclosan có trong mỹ phẩm đã được rất nhiều chuyên gia cảnh báo và thậm chí, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia về Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Triclosan là chất sát trùng, có tác dụng rất mạnh trong sát khuẩn nhưng cũng rất độc hại nếu sử dụng thường xuyên và liên tục. Chất Triclosan có tác dụng diệt khuẩn, nếu da tay có có vết xước thì không nên rửa tay bằng chất này, bởi nó sẽ ngấm vào cơ thể gây độc máu.

Ông Thịnh cho biết thêm, nếu chỉ với lượng nhỏ thì cơ chế của cơ thế sẽ đào thải, còn nếu lượng lớn chất Triclosan được tích tụ lâu trong cơ thể thì sẽ gây ung thư nặng và nguy cơ tử vong cao.

Ngày 15/9/2016 trong công văn của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế gửi Các doanh nghiệp , sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm nêu rõ: “Các doanh nghiệp chủ động rà soát thành phần công thức của các sản phẩm mỹ phẩm đã công bố với cơ quan quản lý (Cục Quản lý Dược, Sở Y tế) với tính năng sát khuẩn và có kế hoạch thay thế chất diệt khuẩn có trong thành phần sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước để đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối các sản phẩm mỹ phẩm có hiệu quả thực sự cho ngườ tiêu dùng”. Tuy nhiên những sản phẩm có chứa những chất mà FDA cấm vẫn đang được bày bán tràn lan trên thị trường tại Việt Nam.

Đó là những thương hiệu nước rửa tay đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng hàng ngày như: Xlinsoap, Clinsoap, Dr.Clearan, Dial, Soft&light, Goo Look.. thậm chí còn có cả một số sản phẩm dành cho em bé như D-nee cũng có thành phần Triclosan. Riêng thương hiệu Dr.Clearan thì hầu như sản phẩm nước rửa tay nào cũng đều có thành phầm Triclosan và được quảng cáo với công dụng diệt 99,99% vi khuẩn. Và người tiêu dùng hàng ngày vẫn vô tư mua những chai nước rửa tay này về sử dụng.

Phương Nam (t/h).

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ban-tin-tieu-dung-1010-nuoc-mam-cong-nghiep-va-17-loai-hoa-chat-d105203.html