Bán hàng cấm qua mạng: Mức phạt 'gãi ngứa' không đủ răn đe

Liên quan tới việc thời gian qua nhiều trang thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam bán hàng cấm qua mạng trong thời gian qua, câu hỏi đặt ra là vì sao cứ lặp định lặp lại ngang nhiên trên website, Facebook…

 Thiết bị lắp ráp súng được rao bán trên Lazada vừa qua.

Thiết bị lắp ráp súng được rao bán trên Lazada vừa qua.

Vi phạm nhiều, xử lí ít…

Từ trường hợp mới đây, trên website TMĐT của Lazada rao bán nhiều loại hàng cấm qua mạng gồm các loại thiết bị, phụ kiện lắp ráp súng bắn đạn bi trông như súng thật với nhiều kiểu dáng khác nhau.

Không khó khăn, người dùng chỉ cần truy cập theo một số từ khóa là có thể tìm thấy những sản phẩm súng bắn đạn bi sắt, súng bắn đạn thạch và súng chích điện trên Lazada.vn.

Tiếp sau đó theo phản ánh của một số người dùng, trên trang Shopee.vn cũng bày bán nhiều thiết bị lắp ráp súng bắn đạn bi và đạn thạch.

Chỉ khác là, trên Shoppe, công cụ tìm kiếm không ghi nhận từ “súng” hay từ “gun” (tiếng Anh nghĩa là súng), mà sử dụng từ khóa là các từ đặt tên cho loại thiết bị. Đơn cử nếu tìm kiếm bằng từ khóa “m4a1” thì trang sẽ hiển thị hình ảnh các thiết bị lắp ráp súng.

Tương tự, việc rao bán hàng cấm qua mạng còn thể hiện qua việc bán tiền giả trên các tài khoản Facebook, từng rộ lên dịp cận Tết Kỷ Hợi. Bên cạnh đó, trong những tháng bình thường, cứ lên Facebook tìm kiếm bằng các từ khóa “tiền giả”, “bán tiền giả”… thì thể nào cũng tìm ra những tài khoản rao bán/đổi tiền giả VNĐ với các loại mệnh giá 50.000-100.000-200.000-500.000 đồng.

Mức phạt “gãi ngứa”

Nghị định 185/2013/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng tại Điều 10 đã có chế tài mức phạt bằng tiền đối với hành vi lưu hành hàng cấm từ mức 500.000 đồng đến tối đa là 100 triệu đồng.

Tiền giả rao bán/đổi qua mạng.

Cùng với đó, những chế tài kèm theo là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 1-3 tháng; buộc khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi, tiêu hủy hàng cấm.

Tuy nhiên, mức chế tài này nhìn chung đang được cho là chỉ “gãi ngứa”, không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

Một tham chiếu về mức chế tài là từ ngày 1/1/2019, Trung Quốc áp dụng luật TMĐT mới, theo đó gia tăng trách nhiệm đối với các sàn TMĐT khi để xảy ra việc bán hàng giả, hàng cấm. Việc xử lí sẽ từ gốc là nhà sản xuất, đến hộ kinh doanh và sàn TMĐT.

Hàng cấm là nanh, sừng động vật hoang dã cũng được rao bán trên mạng.

Theo luật TMĐT mới của Trung Quốc, mức phạt tối đa đối với các sàn TMĐT để xảy ra việc bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng.v.v… lên đến 2 triệu NDT, xấp xỉ 291.000USD, tính ra gần 7 tỉ đồng Việt Nam.

Tại Việt Nam, trách nhiệm các sàn TMĐT để xảy ra các vụ việc như Shopee hoặc Lazada thời gian qua, cũng đã được qui định. Song như đã nói, mức xử phạt chục triệu hoặc vài chục triệu đồng/vụ suy cho cùng chẳng thấm gì đối với các các sàn TMĐT trên mà mỗi năm “đốt” đến hàng trăm hoặc cả ngàn tỉ đồng.

Hiện trên các trang Lazada, Shopee đều có dịch vụ mua hàng từ nước ngoài, còn gọi là hàng quốc tế, với đối tác quốc tế rao bán trên trang TMĐT của Lazada.vn, Shopee.vn. Trong trường hợp này, qui định của Việt Nam khó áp dụng xử phạt bên bán nằm ở ngoài Việt Nam, do đó chỉ còn cách là chế tài đối với doanh nghiệp vận hành và khai thác sàn TMĐT tại Việt Nam.

Chế tài càng mạnh đối với các sàn TMĐT sẽ thúc đẩy những doanh nghiệp này kiểm soát chặt chẽ hơn việc để lọt bàn hàng cấm qua mạng.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ban-hang-cam-qua-mang-muc-phat-gai-ngua-khong-du-ran-de-658491.ldo