Bản tin Audio pháp luật - số 30

Bản tin Audio pháp luật ngày 5/12 gồm những nội dung chính sau: Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân; Đã có chế tài xử phạt nặng hành vi gây ô nhiễm môi trường khu chung cư; Thí điểm thành lập BQL An toàn thực phẩm TP HCM.

Các hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính. (Ảnh minh họa)

Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân

Ngày 5/12, tại Hà Nội, dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành có biện pháp xử lý, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, “không phải nghe để biết, để đó”. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”.

Sau khi nghe các báo cáo, phát biểu góp ý rất thiện chí mang tính xây dựng, kiến nghị thiết thực của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ một số ý kiến, quan điểm. Thủ tướng khẳng định cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Đã có chế tài xử phạt nặng hành vi gây ô nhiễm môi trường khu chung cư

Theo Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ ban hành, mức phạt tiền tối đa cho các hành vi gây ô nhiễm môi trường như vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư là 5 triệu đồng.

Nghị định số 155/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017, quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Nghị định áp dụng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, trong đó có áp dụng với nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường ở chung cư. Vi phạm hành chính đối với các hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường theo khoản1 Điều 20 bị xử phạt theo các mức cụ thể.

Bên cạnh đó, Nghị định 155/2016 còn có chế tài phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng để xử lý vi phạm hành chính chủ đầu tư xây dựng mới khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu chung cư có hành vi bàn giao công trình đưa vào sử dụng mà không thực hiện đúng và đầy đủ một trong các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, để khắc phục hậu quả, chủ đầu tư còn bắt buộc phải thực hiện xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm.

Thí điểm thành lập BQL An toàn thực phẩm TP HCM

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM (Ban Quản lý).

Ban Quản lý là cơ quan thuộc UBND TP HCM, có chức năng giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng; có trụ sở làm việc tại TP HCM.

UBND TP HCM quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý. Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 3 Phó Trưởng ban. Ban Quản lý có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Văn phòng, Thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập. Biên chế công chức của Ban Quản lý được tính trong tổng số biên chế công chức của UBND TP HCM. Thời gian thực hiện thí điểm 3 năm kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành.

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/ban-tin-audio-phap-luat-so-30.html