Bản tin Audio pháp luật - số 19

Bản tin Audio pháp luật ngày 22/11 gồm những nội dung chính sau: Thủ tướng Chỉnh phủ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc; Thanh tra, xử lý vi phạm đất đai đồng loạt trên phạm vi toàn TP Hà Nội.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Quy hoạch nhằm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khẳng định vị trí quan trọng của Vùng đối với du lịch Việt Nam; Từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Vùng) bao gồm địa giới hành chính thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, có diện tích tự nhiên: 40.576,6km2.

Đến năm 2020, vùng đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch (giá hiện hành) đến năm 2020 đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 111 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Hồ Núi Cốc thuộc địa bàn: thành phố Thái Nguyên (các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương), huyện Đại Từ (các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu và thị trấn Quân Chu), thị xã Phổ Yên (xã Phúc Tân) và toàn bộ thắng cảnh hồ Núi Cốc. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu DLQG là 1.200ha (không bao gồm diện tích mặt nước).

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc.

Theo định hướng, sản phẩm du lịch chính của Khu DLQG Hồ Núi Cốc là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao gắn liền với tài nguyên hồ, đảo trên hồ; du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà; du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng Vườn quốc gia Tam Đảo (khu vực xã Quân Chu), hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái chè.

Mục tiêu phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu DLQG Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND, tổ chức thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020” trên địa bàn toàn thành phố.

Kế hoạch nhằm tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn 2016-2020 trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội. Việc thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai được thực hiện đồng loạt trên phạm vi toàn thành phố, tập trung đối với một số nhóm đối tượng quản lý, sử dụng đất đang có nhiều nổi cộm; mỗi năm sẽ thực hiện đối với một nhóm đối tượng nhất định.

Cụ thể: Năm 2017, tập trung thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai ở các cấp, trong đó: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Thành phố chủ động phối hợp, cung cấp các hồ sơ, tài liệu phục vụ yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thanh tra thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại Thành phố Hà Nội và 02 đơn vị cấp huyện; Giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại Sở Tài nguyên và Môi trường và tại 05 đơn vị cấp huyện.

Năm 2018, tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại 03-05 khu công nghiệp, cụm công nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

Năm 2019, tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất 20 cơ sở, tổ chức kinh tế sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.

Năm 2020, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa cấp Thành phố và tại 05 đơn vị cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/ban-tin-audio-phap-luat-so-19.html