Bản tin Audio pháp luật - số 11

Bản tin Audio pháp luật ngày 13/11 gồm những nội dung chính sau: Thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại 24 tỉnh, thành phố; Tăng cường quản lý đất đai, không để phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu các cấp, các ngành thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, có giải pháp phù hợp, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn để bảo đảm nguồn vốn đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã quy định. Các địa phương có trách nhiệm bố trí đủ vốn từ ngân sách địa phương và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại 24 tỉnh, thành phố.

Theo kế hoạch, trong 5 năm (2016-2020), Bộ Tài ngyên và Môi trường (TN&MT) sẽ thanh tra tại 24 tỉnh, thành phố theo các chuyên đề nhằm tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất trong giai đoạn này. Theo đó, từ năm 2016-2017, Bộ sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai các cấp huyện, xã tại 3 tỉnh, mỗi tỉnh 1 đơn vị cấp huyện và 2 đơn vị cấp xã là TP Việt Trì (Phú Thọ), thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và TP Nha Trang (Khánh Hóa). Riêng các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Bình Phước sẽ kế thừa kết quả thanh tra trong năm 2016 để tổng hợp, đánh giá. Đồng thời thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính đất đai tại 5 tỉnh, thành phố, mỗi địa phương thanh tra thủ tục hành chính do cấp tỉnh và 2 đơn vị cấp huyện thực hiện.

Năm 2018 thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế tại 6 tỉnh, thành phố là Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Định, Đồng Nai, Cần Thơ và TP HCM. Trong đó mỗi địa phương sẽ thanh tra 3 khu công nghiệp, khu kinh tế có dấu hiệu vi phạm.

Năm 2019 thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai tại 6 tỉnh là Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và Tây Ninh. Mỗi tỉnh thanh tra 6 cơ sở sản xuất kinh doanh.

Năm 2020 thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý sử dụng đất trồng lúa tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An và Hậu Giang.

Các đối tượng thực hiện thanh tra trong các năm do sở TN&MT căn cứ vào tình hình thực tế, đề xuất danh sách gửi về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 15/8 của năm trước năm thực hiện thanh tra.

Tăng cường quản lý đất đai, không để phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền để người dân biết, chấp hành quy định của thành phố khi mở đường; chỉ đạo các phòng chuyên môn quyết liệt trong quản lý, bố trí vốn ngân sách để đền bù, lên phương án thu hồi đất ngoài chỉ giới nếu việc hợp thửa, hợp khối không thực hiện được (sau 30 ngày).

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng tồn đọng, không để phát sinh trường hợp mới; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng, hoàn thành trước tháng 12/2016; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tồn tại hoặc phát sinh thêm trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn quản lý.

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/ban-tin-audio-phap-luat-so-11.html