Bàn thờ gia tiên

PNCN - Từ xưa đến nay, bất kể giàu nghèo, mọi gia đình người Việt đều coi việc thờ cúng ông bà tổ tiên làm trọng. Vì vậy, sự chuẩn bị và trang trí bàn thờ gia tiên đón Tết có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Nhưng ngoài ý nghĩa tâm linh, bàn thờ cũng là nơi bắt đầu của nhiều câu chuyện văn hóa.

1. “Trước đêm tôi về nhà chồng, mẹ bảo tôi mặc áo cô dâu rồi ra thắp nhang lạy ông bà trước bàn thờ gia tiên. Tôi nhớ, tối đó, mẹ vừa khóc vừa trình với ông bà tổ tiên việc tôi đi lấy chồng, mẹ cho tôi đôi bông tai của bà ngoại ngày trước và căn dặn đủ điều để khi sang nhà người, tôi theo đó mà tròn phận làm dâu. Mẹ bảo, ngày mẹ lấy chồng, bà ngoại cũng bắt mẹ đứng trước bàn thờ và làm công việc như mẹ bây giờ. Nhờ vậy, cả đời làm dâu mẹ không bị điều tiếng gì” - bà Nguyễn Thị Hưởng, 67 tuổi, cựu giáo viên trường Ngô Tùng Châu, Q.1, TP.HCM nhắc lại chuyện xưa mà mắt rưng rưng. Dường như với bà, chiếc bàn thờ gia tiên không chỉ là nơi thờ phụng ông bà mà còn là nơi để bà học đạo làm người và dạy con hiếu thảo. Bà Hưởng kể: “Ngày nhỏ, tôi thường đứng sau tấm màn cửa để nghe cha tôi khấn vái. Những lúc ấy, cứ như cha tôi đang nói chuyện với ông bà. Có khi tôi nghe ông xin tổ tiên cho anh chị em tôi biết nhường nhịn, đừng lấn lướt nhau. Tôi cũng tin, ông bà hiển linh, vì anh em trong nhà tôi luôn đoàn kết, thương yêu nhau. Má mất, rồi ba cũng từ trần sau má ít năm. Việc hương hỏa giao lại cho cậu em út, bàn thờ gia tiên trong nhà lại thêm hình của ba má. Hằng năm, cứ vào những ngày giáp Tết, tôi lại đốc thúc các con về quê, vừa dẫy cỏ, vệ sinh phần mộ ông bà, vừa phụ cậu trang hoàng cái bàn thờ, nơi tôi đã hiểu đạo lý làm người và bây giờ đến lượt các con, các cháu”. Bàn thờ gia tiên là nơi để ông Sáu dạy con cháu học truyền thống gia đình 2. Ông Trần Văn Sáu, 85 tuổi, ngụ 138/23 Nguyễn Văn Cừ, Q.1, TP.HCM tẩn mẩn dùng tay kỳ cọ những vết thâm đen xuất hiện trên bộ lư đồng. Trên bàn thờ, phía sau bộ lư đồng, ông Sáu đặt ảnh của ông bà nội ngoại hai bên trên cao, dưới thấp là di ảnh của bố mẹ vợ, bố mẹ ruột. Mấy hộp bánh, trà để xung quanh cặp chân đèn theo một trật tự… Đó là chiếc bàn gỗ chạm khắc hình long lân quy phụng, hai bên có hai chiếc kính tráng thủy tròn. Thoạt trông cặp kính như đôi mắt của ông bà đang nhìn con cháu. Nền nếp thờ cúng trong nhà, bao giờ cũng được ông Sáu nhắc đến đầu tiên mỗi khi có dịp dạy dỗ con cháu. Ông nói: “Bàn thờ không chỉ để giữ gìn hương khói ông bà mà còn là để nhắc nhở con cháu nhớ đến tổ tiên và tự hào về tổ tiên của mình”. Bà Hưởng cùng anh em, con cháu quây quần trao đổi cúng ông bà trong những ngày Tết Ông kể: “Năm nào cũng vậy, cứ khoảng rằm tháng chạp, tôi bắt đầu công việc làm mới bàn thờ gia tiên. Bộ lư được chăm sóc đầu tiên”. Ngày xưa, mỗi lần chùi lư, ông thấy người lớn hay sai trẻ con chạy đi xin khế chua về đánh cho sạch lớp ten (ôxít đồng) bám trên lư, rồi chà lên một lớp nước dung dịch đánh bóng, sau đó phơi nắng cho đồng nóng lên rồi mang vào đánh bóng lần chót. Ông còn tìm ra một cách chùi lư rất riêng: nấu nước sôi để “trụng” lư cho nóng, sau đó thấm loại phấn chuyên đánh bóng đồng lên miếng bông gòn sạch và cứ thế chà cho lư sáng soi gương được… Ảnh: Anh Tuấn 3. Ngày giỗ mẹ lần thứ tư vừa qua, ông Nguyễn Văn Giáo, 58 tuổi, nhà ở hẻm 65 đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM mới xác nhận: “Trong nhà không có bàn thờ thì lạnh lẽo lắm”. Bàn thờ gia tiên nhà ông Giáo đặt trên chiếc tủ buýp phê ngay phòng khách. Hai bên là hai chân đèn để thắp nến mỗi khi cúng kiếng. Nhưng rồi mỗi lần thắp hương, ông cảm giác bát nhang lẻ loi không mang lại sự ấm cúng cho toàn gia đình. Ông đặt thêm chiếc lư hương chính giữa tạo thành một bệ tam sự (một đỉnh hương và đôi chân đèn) và thấy “ra cái bàn thờ chứ không chông chênh như trước”. Ông khẳng định, “Nếu nhà rộng hơn, tôi có thể để một bộ “ngũ sự” (có thêm lọ độc bình, chân bệ để đèn) hoặc bộ “thất sự” (thêm ống đựng hương, ống cắm đũa - nồi hương để cốt trầm). Thậm chí, còn thêm đôi hạc nhỏ… khi có điều kiện”. Dù không đủ “đất” để bài trí bàn thờ như mong muốn, nhưng giờ đây mỗi khi nhìn vào bàn thờ, ông thấy một sự ấm áp rõ rệt. “Nó đĩnh đạc, vững chắc làm sao!”. Ông Giáo nói và ngộ thêm ra rằng: “Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi khi đứng trước bàn thờ gia tiên, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm sống cho đàng hoàng, cho xứng đáng với lòng tin cậy của những người đã khuất”. Nguyễn Thiện

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2011/Pages/ban-tho-gia-tien.aspx