Bán theo 'lô' hay 'đợt' đây?

Kể từ khi thông điệp từ Chính phủ về thoái vốn DNNN, rằng Chính phủ sẽ 'không đi bán bia, không đi bán sữa', thị trường nhộn nhịp hẳn lên. Bởi mọi người hiểu rằng, những việc đó Chính phủ sẽ không cần nắm giữ, DN tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm, và dành tiền đó cho đầu tư lĩnh vực then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Một yêu cầu tối quan trọng được đặt ra nữa là việc thoái vốn phải tiến hành minh bạch, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn của Nhà nước.

Mục tiêu đã rất rõ ràng nhưng nhiều cuộc tranh luận vẫn xảy ra trong quá trình tìm phương án tối ưu để thực hiện mục tiêu đó. Một trong những vấn đề nổi lên, đó là nên bán cổ phần Nhà nước theo “lô” hay chia thành nhiều đợt.

Chẳng hạn với việc thoái vốn ở Vinamilk, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng do giá trị DN lớn, chưa biết thị trường có thể hấp thụ được bao nhiêu nên phải bán có lộ trình, đảm bảo lợi ích Nhà nước cao nhất và không gây biến động thị trường. Vì mỗi lần có thông tin Nhà nước thoái vốn tại Vinamilk, giá cổ phiếu của DN này lại tăng, từ dưới 100 nghìn đ/cp, tới nay lên tới 140 nghìn đ/cp. Do vậy, lần đầu bán “hàng ngon” nên phải thăm dò.

Chính vì thế, SCIC đã chọn phương án đợt đầu chỉ bán 20% cổ phần Nhà nước tại Vinamilk (tương ứng 9% vốn điều lệ) chứ không chọn phương án bán một lần toàn bộ cổ phần Nhà nước, chiếm 45% vốn điều lệ của Vinamilk.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), nếu thực hiện bán cổ phần Nhà nước theo cách chia đợt như phương án của SCIC đề xuất, chỉ tính riêng tại Vinamilk, Nhà nước có nguy cơ mất tới 1 tỷ USD.

Theo ông, SCIC đã chọn phương án loại bỏ nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá bằng việc đưa ra phương án bán theo “đợt”. Đây là phương án hạn chế sức cầu, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán VNM sẽ rất thấp.

Tất cả những ý kiến trên đều có lý. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, dường như phương án bán theo “lô” có vẻ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn và đã có thương vụ giá bán cao ngất ngưởng, chứ cao hơn không chỉ vài chục phần trăm.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ bán theo “lô” ly kỳ, hấp dẫn và đầy bất ngờ ở Khách sạn Kim Liên (Hà Nội). Tại phiên đấu giá, trong khi giá khởi điểm là 30.600 đ/cp thì bảng điện tử liên tục thay đổi với những con số “khủng”, trong đó nhiều lệnh mua được nhập có mức giá cao hơn 100 nghìn đ/cp. Cuối cùng, giá chào mua cao nhất lên tới 274 nghìn đ/cp, gấp 9 lần giá chào bán.

Vì thế, nếu nhận xét rằng, việc bán theo “lô” hay “đợt” là một quyết định trị giá hàng tỷ USD thì cũng không ngoa lắm đâu!

Nguyễn Hoàng Linh

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/ban-theo-lo-hay-dot-day.html