Bàn thảo 3 vấn đề trọng tâm tạo nên chất lượng giáo dục phổ thông

3 vấn đề trọng tâm tạo nên chất lượng chất lượng giáo dục phổ thông là chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và công tác quản lý được các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà giáo trao đổi tại Hội thảo giáo dục 2017: Về chất lượng giáo dục phổ thông.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội thảo có Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục,thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và một số bộ, ban ngành Trung ương…

Đại diện Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và đại diện một số cục vụ chức năng cơ quan Bộ.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: GD&ĐT luôn giữ vị trí quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, GD&ĐT được xem là giải pháp hàng đầu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với quan điểm và chủ trương của Đảng ta luôn coi “GD&ĐT là quốc sách hàng đầu”, nên thời gian qua, các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội luôn trăn trở, tìm giải pháp để nâng cao chất lượng GD&ĐT, coi đây là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng và thúc đẩy xã hội phát triển bền vững…

Theo bà Tòng Thị Phóng, trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, với kết quả 30 năm đổi mới, chúng ta rất tự hào về nền giáo dục Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước hội nhập tích cực, toàn diện, là bạn, là đối tác tin cậy với các nước và bạn bè quốc tế.

Nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ và tri thức nhân loại, với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới, nền giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu và nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Yêu cầu này đã được chỉ rõ trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Hội thảo giáo dục với chủ đề “Về chất lượng giáo dục phổ thông” nhằm tạo cơ hội để lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ những quan điểm, ý tưởng và giải pháp phát triển giáo dục phổ thông; tạo cơ sở lý luận và thực tiễn, phục vụ việc nghiên cứu và xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.

Trong phạm vi hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị đại biểu và các khách mời tập trung thảo luận, đề xuất những giải pháp cụ thể về 3 nội dung trọng tâm tạo nên chất lượng giáo dục phổ thông mà chương trình Hội thảo đề ra, đó là: chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và công tác quản lý.

Trong đó chú ý: cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông vào thực tiễn; việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm;

Yêu cầu về môi trường làm việc, sự phát triển và việc giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ… cùng nhiều vấn đề liên quan khác như: mô hình trường phổ thông; vấn đề quản lý nhà nước với việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông; vấn đề xã hội hóa trong giáo dục phổ thông…

“Đây chính là các vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cơ quan hoạch định chính sách quốc gia tiếp tục cùng nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành Giáo dục nước nhà” – bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 1 ngày, trong đó buổi sáng các đại biểu sẽ thảo luận về những vấn đề chung về giáo dục Việt Nam và chuyên đề Chương trình giáo dục phổ thông. Buổi chiều hội thảo sẽ tập trung vào 2 chuyên đề là Đội ngũ giáo viên phổ thông và Quản lý giáo dục.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu và định hướng các nội dung: Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT trong giai đoạn phát triển công nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chính phủ đã có các kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết này. Đến nay, GD&ĐT của Việt Nam đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, nhận thức về thực trạng và các chính sách cụ thể trong GD&ĐT, nhất là giáo dục phổ thông vẫn còn phân tán và nhiều ý kiến khác nhau

Ông Phan Thanh Bình

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ban-thao-3-van-de-trong-tam-tao-nen-chat-luong-giao-duc-pho-thong-3833015-v.html