'Bản thân chúng tôi cần rút kinh nghiệm ở vụ việc đáng tiếc của Lâm Quang Nhật'

Vụ lùm xùm tổ chức đấu nội bộ chọn VĐV dự SEA Games 29 xảy ra ở đội tuyển bơi đúng ngày xuất quân của đoàn Thể thao Việt Nam đọng lại nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Ông Trần Đức Phấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam chia sẻ quanh sự việc đáng tiếc này.

PV: Cuộc thi đấu nội bộ tại đội tuyển bơi đã kết thúc sáng 8-8, với việc Lâm Quang Nhật vắng mặt, Nguyễn Huy Hoàng đạt thành tích ấn tượng, bỏ xa người còn lại là Nguyễn Hữu Kim Sơn. Vậy 2 trong 3 kình ngư này, ai sẽ được thi đấu 1.500m tại SEA Games 29, thưa ông?

Ông Trần Đức Phấn: Sau khi kết thúc cuộc kiểm tra nội bộ, tôi đã yêu cầu ban huấn luyện đội tuyển bơi phải trao đổi với nhau. Sau đó, ban huấn luyện mà đích thân HLV trưởng Đặng Anh Tuấn báo cáo rằng sẽ phân công Quang Nhật và Huy Hoàng thi 1.500m, còn Kim Sơn thi 200m và 400m. Về cơ bản không khác gì nội dung thi đấu đã đăng ký sơ bộ với BTC SEA Games.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thừa nhận những nhà làm chuyên môn phải rút kinh nghiệm sau vụ việc đáng tiếc xảy ra ở đội tuyển bơi

Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thừa nhận những nhà làm chuyên môn phải rút kinh nghiệm sau vụ việc đáng tiếc xảy ra ở đội tuyển bơi

+Vì sao có quyết định chọn Quang Nhật khi VĐV này chủ động không tham gia cuộc kiểm tra thành tích?

-Việc tổ chức kiểm tra chuyên môn cũng như quyết định nội dung đăng ký thi đấu, chúng tôi giao cho ban huấn luyện. Việc kiểm tra chỉ là một phần, bởi quyết định cuối cùng thuộc về ban huấn luyện. Tổng cục TDTT cũng như đoàn Thể thao Việt Nam không can thiệp vào các quyết định chuyên môn như thế này. Tôi đã báo cáo kết quả tuyển chọn này với Tổng cục trưởng và Bộ trưởng VH-TT&DL. Cá nhân tôi cho rằng trong 3 VĐV bơi này, nếu ai không được tham gia cự ly 1.500m đều là đáng tiếc. Cả 3, chúng tôi đều rất trân trọng, rất cảm ơn đóng góp của họ.

+Giới chuyên môn cho rằng việc kiểm tra là cần thiết, tuy nhiên cần thông báo sớm để VĐV chuẩn bị, thay vì thi nội bộ chỉ hai tuần trước SEA Games và Lâm Quang Nhật mới tập huấn Trung Quốc về nước có 3 ngày?

-Lãnh đạo Tổng cục TDTT không có can thiệp nào vào việc chuyên môn tuyển chọn VĐV của đội tuyển bơi. Cá nhân tôi cũng không có trao đổi bất cứ vấn đề gì liên quan đến ban huấn luyện các đội tuyển và chỉ đạo qua Vụ thể thao thành tích cao là yêu cầu ban huấn luyện ĐTQG của các Trung tâm huấn luyện có VĐV dự SEA Games phải họp bàn kỹ lưỡng về nhân sự.

Hy vọng Quang Nhật cùng đồng đội sẽ lấy lại được tâm lý ổn định để thi đấu đạt thành tích tốt nhất tại SEA Games 29 tới

+Tại cuộc thi đấu kiểm tra, Kim Sơn đạt thành tích rất kém. Đó có phải lý do Quang Nhật và Hoàng Huy được chọn?

-Việc chọn Quang Nhật không phải dựa vào cơ sở thi đấu nội bộ giữa Kim Sơn và Hoàng Huy. Bản thân tôi thì nghĩ rằng nếu như có 3 VĐV thi đấu để chọn 2, thì VĐV mới kiểm tra một cách sòng phẳng. Tuy nhiên Quang Nhật không tham gia, vì thế việc kiểm tra này không có ý nghĩa. Song qua vụ việc này, tôi cho rằng bản thân những nhà làm chuyên môn như chúng tôi phải rút kinh nghiệm.

Tôi cũng muốn chia sẻ quan điểm rằng, việc kiểm tra tại tất cả các môn thể thao mà có thể định lượng được bằng giây, bằng mét, bằng kg… thì không phải chờ tới định kỳ mới kiểm tra, cụ thể như ở đội tuyển bơi, 3 VĐV này rất sẵn sàng. Nếu nói phong độ, mới đi tập huấn về hay gì đó thì cũng chỉ là một phần thôi. Các VĐV lúc nào cũng phải sẵn sàng tâm thế tham gia kiểm tra. Trên thế giới, các VĐV nổi tiếng của điền kinh, bơi lội vẫn phải tham gia kiểm tra như chúng ta vừa làm.

+Trước môn bơi, nhiều đội tuyển cũng vướng vào lùm xùm tranh cãi suất tham dự SEA Games và phải đấu nội bộ sát giờ đấu giải chính thức. Vậy nên chăng, chúng ta có quy định sớm về việc các đội tuyển nếu muốn đấu nội bộ để chọn VĐV thì thông báo sớm và tổ chức sớm, để VĐV chuẩn bị và có kế hoạch chọn điểm rơi tốt nhất. Ông nghĩ sao?

-Qua thực tiễn nhiều vụ việc đã xảy ra, bản thân những nhà chuyên môn phải rút kinh nghiệm. Việc nảy sinh lùm xùm ở đội tuyển bơi lần này là thêm một bài học và sau SEA Games 29 trở về, chúng tôi sẽ phải chỉ đạo rút kinh nghiệm cho ASIAD 2018. Chúng ta phải tôn trọng những ý kiến chuyên môn và phải tính toán rất kỹ trước khi ra quyết định nào đó. Tuy nhiên, mỗi môn thể thao có đặc thù khác nhau, các môn tập thể, các môn đối kháng… không giống nhau. Vì vậy tôi nghĩ về phía Tổng cục TDTT, ngoài quy trình tuyển chọn thì phải định lượng các vấn đề rất cụ thể, tránh xảy ra xì xào như vừa rồi ở đội tuyển bơi.

+Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không vấn đề cục bộ trong tuyển chọn VĐV bơi, vì Kim Sơn là trò cưng của HLV Hoàng Anh Tuấn ở An Giang và VĐV cũng từng thi đấu cho đơn vị chủ quản của Quang Nhật là TP.HCM nhưng do mâu thuẫn nên mới cắt hợp đồng?

-Tôi nghĩ không có chuyện cục bộ địa phương như vậy. Anh Hoàng Anh Tuấn là HLV trưởng đội tuyển bơi, nhưng trên ban huấn luyện còn các bộ phận chuyên môn kiểm soát vấn đề này. Bất kỳ đội tuyển nào xuất hiện dư luận “quân anh, quân tôi”, chúng tôi sẽ có ý kiến ngay.

+Ngoài môn bơi còn môn nào của đoàn Việt Nam dự SEA Games 29 xuất hiện lùm xùm tương tự không, thưa ông?

-Trong kỳ chuẩn bị SEA Games này, cá nhân tôi chưa nhận được ý kiến nào của 14 đội tuyển môn trọng điểm Olympic về vấn đề tuyển chọn VĐV. Các đội tuyển khác có ý kiến về vấn đề HLV, nhưng cũng rất đặc thù, vì có HLV được gọi tập trung ĐTQG nhưng bận việc CLB không lên được, hay có ý kiến người này xứng đáng hơn người kia nhưng người ta không thể thu xếp công việc thì buộc phải gọi người khác. Về nguyên tắc, việc chọn HLV, VĐV nào sẽ ưu tiên theo thứ hạng của họ ở giải quốc gia. Chúng tôi mong muốn làm sao công tác tuyển chọn HLV, VĐV càng ngày càng chuẩn hóa để tuyệt đối không làm ảnh hưởng tới VĐV của chúng ta. Vì khẩu hiệu của đoàn Việt Nam tại SEA Games 29 tới là: “Tất cả vì vận động viên”.

+Xin cảm ơn ông!

Thuần Thư

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-thao/ban-than-chung-toi-can-rut-kinh-nghiem-o-vu-viec-dang-tiec-cua-lam-quang-nhat/737443.antd