Bàn tay vợ xoa dịu nỗi đau thường ngày

Chồng của chị Thoa cơ quan tôi là là thương binh nặng, nằm liệt một chỗ. Không có tiền thuê người nên một mình chị phải chăm sóc rất vất vả. Vì thế, lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật.

Ảnh minh họa

Tuy biết vậy, nhưng chúng tôi cũng chưa khi nào đến tận nhà thăm anh chị. Cũng bởi ai cũng lu bu.

Một hôm, công ty mất điện, chúng tôi ngồi nói chuyện linh tinh. Nhân tiện, tôi hỏi chị về anh. Chị gật đầu: “Ừa! Chồng chị làm ở đồn biên phòng. Anh bị thương trong một cuộc đuổi bắt tội phạm ma túy. Chị nghĩ, anh đã hi sinh thân mình để bảo vệ cuộc sống bình yên của chúng ta. Vì thế, chăm sóc anh là trách nhiệm của chị. Ngoài ra, anh chị là bạn thanh mai trúc mã nên với chị, anh sống ngày nào thì hạnh phúc ngày đó... Nếu em không ngại, hôm nào rảnh, mời em đến chơi, thăm anh chị!”.

Một ngày Chủ nhật, tôi mua hộp yến, đến nhà chị, nằm sâu trong một con hẻm. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là mọi thứ ở đây rất sạch sẽ, gọn gàng. Chiếc giường nơi anh nằm bên ô cửa sổ nhìn ra khu vườn nhỏ. Anh nằm đó, thân hình dẹp lép dưới tấm chăn mỏng. Chị nói khẽ vào tai tôi, dù rất cố gắng, nhưng chị biết anh đang suy kiệt từng ngày, như ngọn nến leo lắt cháy những giọt cuối cùng. Tuy vậy, trên khuôn mặt đen xạm của anh vẫn nổi bật đôi mắt sáng rực và nụ cười tươi rói có hàm răng trắng bóng.

Tôi thấy anh rất vui khi chị giới thiệu nhà có khách. Tôi nói chị cứ đi làm việc, để mình tôi nói chuyện với anh. Chị vui vẻ đặt trước mặt tôi ly nước lọc rồi xuống bếp.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ cạnh giường, cố tỏ ra vui vẻ: “Cơ quan em ai cũng quý chị Thoa! Anh thật may mắn khi có chị bên cạnh!”. Anh mỉm cười, vẻ mặt tươi tỉnh hẳn: “Em nói đúng! Nếu không có chị, chắc chắc anh không thể sống được đến ngày hôm nay! Chị chăm sóc anh, như một người vợ, người mẹ, người điều dưỡng tuyệt vời...”. Rồi anh kể:

Mùa đông, trời lạnh thấu xương khiến đêm anh thường mất ngủ. Chị đốt một nồi than dưới gầm giường. Lưng anh ấm sực. Nhưng phía trên vẫn lạnh. Chị nấu nước sôi đổ vào cái bình cao su, bọc một lớp khăn dày bên ngoài để anh ôm trước ngực nên ấm hơn nhiều. Để diệt trùng, sát khuẩn và loại bỏ các thứ mùi lưu cữu như mùi ẩm mốc, mùi quần áo lâu ngày chưa giặt, mùi chất thải... chị đốt bồ kếp với vỏ bưởi khô trong cái tô đất, để ở góc phòng. Nhờ vậy mà không khí trong phòng thoáng đãng, dễ thở hơn.

Ngược lại, mùa hè thì nóng nực đến phát sốt. Cả người anh lúc nào cũng đầy mồ hôi. Trước khi đi làm, chị để một thau đá to dưới giường nên cái nóng dịu hơn chút ít. Anh luôn chờ đợi thời khắc cuối ngày, khi chị đi làm về. Việc đầu tiên chị làm là lấy một thau nước mát để lau khắp người cho anh, kiểu như tắm khô ấy. Chỉ vậy thôi mà anh thấy mát mẻ hẳn. Cũng bởi bàn tay chị mềm mại và êm ái lắm...

Chị biết anh chờ nên luôn về nhà đúng giờ. Sau khi làm vệ sinh cho anh, chị mới vào bếp chuẩn bị bữa tối. Mâm cơm bưng lên cạnh giường, chị cứ đút cho anh một thìa rồi cầm chén của mình lên và một miếng, rồi lại đút cho anh... Anh nói chị cứ ăn trước đi rồi cho anh ăn sau. Hay ngược lại, cho anh ăn xong rồi chị vào bếp ăn cho thong thả. Nhưng chị nói, chị biết anh ở nhà suốt ngày rất buồn nên muốn ăn cùng anh cho vui. Vì vậy, nhiều khi anh mệt, không muốn ăn nhưng sợ chị buồn nên cố nuốt.

Buổi tối, sau khi giải quyết hàng đống việc, chị xoa chân nắn tay, bấm huyệt cho anh... Vừa làm, chị vừa kể đủ thứ chuyện. Nào là chuyện ngoài đường, chuyện cơ quan, chuyện hàng xóm... Mãi đến nửa đêm, chị mới đặt lưng xuống cái giường bên cạnh. Mà nào có được ngủ yên. Bất cứ tiếng động, tiếng ho nào của anh cũng làm chị bật dậy, xoa cho anh tí dầu, pha cho anh ly nước gừng... “Thế mà đã 5 năm rồi đấy!” – Giọng anh nghèn nghẹn.

Tôi nắm bàn tay chỉ còn da bọc xương của anh, mỉm cười: “Coi như vì chị Thoa mà anh cố gắng chiến đấu nhé! Em chúc anh mau khỏe!”. Anh gật đầu: “Cám ơn em! Anh sẽ cố gắng! Rảnh rỗi đến thăm anh chị nhé!”.

Tôi chào anh chị rồi ra về. Chợt thấy thương họ quá chừng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ban-tay-vo-xoa-diu-noi-dau-thuong-ngay-post180519.html