'Bàn tay thần chết' - Hệ thống vũ khí răn đe tối hậu của Nga

Nga sở hữu một hệ thống vũ khí duy nhất trên thế giới đảm bảo khả năng giáng trả đòn tấn công hạt nhân đối phương ngay cả trong tình huống bi thảm nhất, khi không còn ai ra quyết định phản kích đánh trả bằng vũ khí hạt nhân. Đó là hệ thống tấn công hạt nhân hoàn toàn tự động.

Một vụ nổ của đầu đạn hạt nhân

Vào những năm 1980, thế giới đang đứng bên bờ vực của một chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Giả thiết cho một tình huống khủng khiếp, các quốc gia trong khối quân sự NATO quyết định kết thúc nhà nước Xô viết và giáng một đòn tấn công hạt nhân phủ đầu quy mô lớn lên toàn bộ lãnh thổ Liên Xô. Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân được phóng lên từ các giếng phóng, tàu ngầm, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng đi từ các máy bay ném bom chiến lược.

Hàng nghìn đầu đạn hạt nhân mang đương lượng nổ từ hàng trăm đến hàng triệu kiloton đồng loạt tấn công vào toàn bộ các thành phố, các trung tâm chỉ huy chiến lược chiến dịch, trung tâm kinh tế công nghiệp, hải cảng, căn cứ quân sự và các đơn vị chiến đấu của quân đội Liên Xô.

Khi bộ máy lãnh đạo nhà nước Xô viết trong tình trạng sốc và hỗn loạn cố gắng tìm hiểu, chuyện gì đang diễn ra, sai lầm nào đã xảy ra, tìm mọi cách liên lạc để sửa chữa tình huống thì đã quá muộn.

Tất cả các trung tâm chính trị quân sự, kinh tế, công nghiệp quốc phòng, các trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến và các căn cứ quân sự sẽ bị san phẳng và hủy diệt dưới sức nổ hàng trăm megaton trong một đòn tấn công duy nhất. Sức mạnh to lớn của tiềm lực hạt nhân Liên Xô sẽ không có thời gian để sử dụng. Không có mệnh lệnh nào được đưa ra và thực thi, các đơn vị hạt nhân chiến lược bất động và bị vô hiệu hóa khi không còn trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến.

Bản đồ phân bổ lực lượng hạt nhân chiến lược của Liên Xô năm 1980.

Vào cuối nửa đầu của thập kỷ 80 cho đến nay, Mỹ và khối NATO với tiềm lực vũ khí hạt nhân và công nghệ quân sự hàng đầu thế giới có thể làm được điều đó, các tướng lĩnh “diều hâu” cũng đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công phủ đầu như vậy.

Nhưng ngày tận thế không xảy đến với Liên bang Xô viết. Vì sao?

Giả thiết thảm họa đó xảy ra. Nhưng ngay khi các tướng lĩnh của khối quân sự Bắc Đại Tây dương chưa kịp ăn mừng chiến thắng trước đòn tấn công hủy diệt Liên bang Xô viết, thì hệ thống vũ khí hạt nhân của Liên Xô, tưởng chừng như tê liệt hoàn toàn, đột nhiên hồi phục.

Hàng nghìn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, xuất kích từ các hầm phóng, tàu ngầm, bệ phóng trên mặt đất, trên tàu hỏa sẽ chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây, lao đến những mục tiêu định trước và phá hủy hoàn toàn các thành phố lớn, các trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến chiến lược chiến dịch, các căn cứ quân sự, các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược, kho tàng quân sự trên khắp châu Âu và nước Mỹ. Thế giới sẽ rơi vào thảm họa hạt nhân và không ai chiến thắng.

Tình huống tiếp theo diễn ra khi hệ thống chỉ huy điều hành chiến lược phản kích hạt nhân "Perimeter", được báo chí phương Tây khiếp đảm gọi là "Bàn tay thần chết", đối số cuối cùng của Liên Xô trước đây (và nước Nga) ngày nay hoạt động.

Mặc dù các nhà khoa học giả tưởng đã vẽ ra vô số những bài viết và luận chứng khoa học về "Thiết bị ngày tận thế" (Doomsday Machines), bảo đảm sẽ bảo vệ an toàn cho các nhóm người thượng tầng kiến trúc của siêu cường và giáng trả đòn phản công bất kỳ đối thủ và đảm bảo tiêu diệt kẻ thù, chỉ duy nhất có hệ thống "Perimeter" đang tồn tại thực sự.

"Perimeter" là hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến tự động được giữ bí mật tuyệt đối. Người ta có thể tin tưởng về sự tồn tại của hệ thống nhưng không thể biết hệ thống đang ở đâu, cấu trúc thành phần, chức năng nhiệm vụ, công tác quản lý điều hành? Hầu như không có thông tin nào có được hiện nay có đủ độ tin cậy để khẳng định hoặc bác bỏ sự tồn tại của hệ thống này cũng như tình trạng của hệ thống.

Nguyên tắc chung hoạt động của hệ thống "Perimeter" là tự động tiến hành đòn tấn công hạt nhân quy mô lớn. Hệ thống tự động chỉ huy, điều hành khởi động hệ thống phóng tên lửa đạn đạo và hành trình mang đầu đạn hạt nhân từ hầm phóng, tàu ngầm, các hệ thống phóng cơ động tự động (tàu hỏa mang tên lửa hạt nhân), các hệ thống phóng tên lửa hành trình trên không và trên biển, kích hoạt các đầu đạn hạt nhân trong tình huống kẻ thù đã hủy diệt tất cả các trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến cấp chiến lược, chiến dịch, có thể ra mệnh lệnh giáng đòn phản kích hạt nhân của quân đội Liên Xô trước đây và quân đội Nga ngày nay.

Hệ thống "Perimeter" hoàn toàn không phụ thuộc vào các hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến và các trang thiết bị thông tin liên lạc, thậm chí không phụ thuộc cả vào chiếc cặp hạt nhân "Kazbek" luôn đi cùng tổng thống Nga.

Hầm phóng tên lửa đạn đạo của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga

Tổ hợp tên lửa đạn đạo Topol-M

Hệ thống "Perimeter" được đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu năm 1985, năm năm sau hệ thống được nâng cấp và hiện đại hóa, mang mật danh là ""Perimeter - RC" và tiếp tục phục vụ trong 5 năm. Theo Hiệp định START-1, hệ thống được dừng trực chiến. Từ đó "Perimeter" rơi vào bí mật, tình trạng hiện nay của hệ thống hoàn toàn không rõ ràng.

Theo một số thông tin, hệ thống một lần nữa đã được "kích hoạt" đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu sau khi hết thời hạn hiệu lực của START-1 (tháng 12.2009), một số thông tin khác cho rằng hệ thống đã được nâng cấp và hiện đại hóa ít nhất 2 lần, hiện đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống như sau. "Perimeter" là một hệ thống trang thiết bị được số hóa hoàn toàn và liên tục trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tương tự như trung tâm cảnh báo sớm, chỉ huy điều hành tác chiến hiện nay ở Moscow và các sở chỉ huy của lực lượng tên lửa chiến lược, "Perimeter" tiếp nhận thông tin từ hệ thống theo dõi các vụ phóng tên lửa trên toàn thế giới, trong đó có thông tin từ hệ thống radar cảnh báo sớm về vụ tấn công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Chính xác hơn là hệ thống có các sở chỉ huy điều hành tác chiến độc lập, có nội hàm và chức năng nhiệm vụ tương tự như các sở chỉ huy điều hành tác chiến của Lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô trước đây và Nga ngày nay.

Theo các thông tin không chính thức, có tất cả 4 sở chỉ huy như vậy, nằm trên những khoảng cách rất xa nhau và hoạt động đồng bộ, trùng lặp các chức năng của sở chỉ huy. Hệ thống truyền thông cũng hoàn toàn độc lập, không liên quan đến bất cứ hệ thống truyền thông nào của nhà nước và quân đội Nga.

Trong các sở chỉ huy đó có tổ hợp các hệ thống thành phần siêu bí mật của hệ thống "Perimeter" , tổ hợp hệ thống chỉ huy, kiểm soát và điều hành tác chiến tự động. Đây là một tổ hợp máy tính điện tử được lập trình vô cùng phức tạp, thiết kế và phát triển trên cơ sở trí tuệ nhân tạo.

Tiếp nhận thông tin từ các cuộc đàm thoại trong không gian điện từ, thông tin từ về trường phóng xạ và các nguồn bức xạ khác tại các điểm kiểm soát, thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa, dữ liệu địa chấn. Bộ não điện tử của hệ thống có khả năng đưa ra kết luận về tình huống một vụ tấn công hạt nhân quy mô lớn.

Nếu tình huống gia tăng căng thẳng đến cấp độ “báo động đỏ” hệ thống "Perimeter" tự động đưa tất cả các thành phần của hệ thống chỉ huy tên lửa chiến lược tự động vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đến lúc này, hệ thống chỉ còn đợi một thông tin “then chốt” cuối cùng, không có tín hiệu thường xuyên từ các trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến của Lực lượng tên lửa chiến lược. Nếu tín hiệu không đến "Perimeter" trong một khoảng thời gian định trước. "Perimeter" khởi động “Ngày tận thế”.

Theo tạp chí Wired năm 2009, hệ thống "Perimeter" đang hoạt động và sẵn sàng triển khai đòn tấn công hạt nhân.

Tháng 12.2011, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược, Trung tướng Sergey Karakayev cho biết: Hệ thống "Perimeter" tồn tại và đang trực sẵn sàng chiến đấu.

Xem tiếp: Hệ thống "Bàn tay Thần chết" ra đòn phản kích hạt nhân thế nào?

TTB

Trịnh Thái Bằng -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ban-tay-than-chet-he-thong-vu-khi-ran-de-toi-hau-cua-nga-83358.html