Bản quyền nhạc Việt: Vẫn là bài toán khó

GD&TĐ - Những ngày qua, MV Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP đã tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ. Tranh cãi xung quanh MV này diễn ra khá gay gắt trên các diễn đàn mạng xã hội. Đây là hồi chuông báo động về tình trạng đạo nhạc trong làng nhạc Việt hiện nay.

Những sáng tác “phiên bản”

Suốt hơn chục năm qua, đạo nhạc vẫn là vấn đề nhức nhối trong làng nhạc Việt. Cách đây không lâu, ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP khi bị cho là đạo nhạc một ca khúc Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi xem xét và thẩm định thì việc kết luận ca khúc này có đạo nhái hay không dường như vẫn còn rất mơ hồ.

Vừa qua, ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau bị tố đạo nhạc ca khúc We don’t talk any more của Charlie Puth và Selena Gomez, phần rap thì bị cho là bắt chước Fire của BTS. Ngoài ra, trang phục, phong cách hay cảnh quay trong MV cũng bị nhận xét là hao hao giống tác phẩm của một số nghệ sĩ nước ngoài khác.

Chuyện Sơn Tùng bị lên án vì đạo nhạc không chỉ lần đầu. Thế nhưng, chỉ sau 2 ngày ra mắt, MV này đã đạt gần 9 triệu lượt xem, một thành tích mà hiếm nghệ sĩ Việt nào có thể đạt được. Sơn Tùng lại ngang nhiên vươn lên vị thế “hoàng tử Vpop”, thậm chí còn được gọi là “thiên tài”.

Vấn đề đáng nói là, tại sao những ca khúc bị nghi án “đạo” vẫn nhận được sự chào đón nhiệt tình của công chúng? Tại sao một ca sĩ trẻ liên tiếp bị vướng nghi vấn đạo nhạc như Sơn Tùng M-TP vẫn sống tốt trong thị trường âm nhạc, thậm chí trở thành một biểu tượng mới nổi của Vpop, được ca ngợi là tài năng và thậm chí nhận được một giải thưởng danh giá trong Giải thưởng Cống hiến?

Vẫn khó xử phạt

Khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Hành vi xâm phạm quyền tác giả là sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Tuy nhiên, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) cũng thừa nhận rằng, cơ sở pháp lý dành cho việc bảo hộ quyền tác giả là chưa chặt chẽ. Kẽ hở pháp luật trong các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thực thi luật pháp về quyền tác giả gây khó cho việc bảo hộ người sáng tác. Nhiều cá nhân, đơn vị lợi dụng để né tránh thực thi luật. Hiện nay, các đơn vị quản lý tác quyền cũng chỉ vào cuộc xử lý khi có đơn khiếu kiện. Mặt khác, cá nhân, đơn vị bị vi phạm thường không thực hiện quyền khiếu kiện của mình.

Chính vì điều đó mà những người tâm huyết với nghệ thuật với nền âm nhạc Việt đã đặt ra hàng loạt câu hỏi rằng: Nếu tình trạng đạo nhạc vẫn cứ tiếp tục xảy ra thì nền nhạc Việt sẽ đi về đâu? Bao giờ nhạc Việt mới theo kịp các nước trên thế giới? Và làm thế nào để chấm dứt tình trạng đạo nhạc?...

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, nguyên nhân lớn nhất là, Việt Nam chưa có một thị trường âm nhạc lành mạnh. Người làm nhạc và ngành âm nhạc Việt vẫn chưa có đủ trình độ hoặc công tâm để đưa ra một quy chuẩn để từ đó, lọc được chính xác những trường hợp thực sự đáng lên án. Câu chuyện này vẫn thuộc về giới chuyên môn, và hậu quả là, có nhiều người “đạo”, “nhái” vẫn nhởn nhơ sống, viết và thậm chí được tung hô. Đạo nhạc là hành vi rất xấu cần sự lên án của tất cả mọi người. Dư luận xã hội cần phải lên án đối với hành vi này bởi nó là hành vi xấu, gây nguy hại cho cả một nền âm nhạc Việt.

Nhạc sĩ Lê Mây chia sẻ: “Ranh giới giữa đạo nhạc và không đạo nhạc rất khó để phân định. Vì người ta có thể sử dụng một, hai câu giống nhau, thay đổi một vài nốt, trường độ, kết cấu thì bài hát đã khác rồi. Chuyện này khi có sự tác động của công nghệ để cải biên lại càng rắc rối. Chuyện đạo nhái gần như đang trở thành “vấn nạn” của nền nhạc Việt, chuyện này thuộc phạm trù đạo đức của người làm nghề.

Nhạc trẻ Việt Nam cũng rất cần những ca sĩ trẻ, có những ca khúc đi kịp, đi cùng thời đại để thỏa mãn và hợp với thị hiếu của người nghe nhưng điều đó không có nghĩa với sự lai căng, sao chép âm nhạc nước ngoài thiếu suy nghĩ, thiếu văn hóa trong cách viết. Quan trọng, người làm sáng tạo nói chung và người sáng tác trẻ hiện nay cần phải có đạo đức, luôn có tư tưởng tìm tòi cái mới để phục vụ khán giả.

Ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Tác quyền cho hay, Cục vẫn đang theo dõi nghi án đạo nhạc đang gây xôn xao showbiz Việt mấy ngày qua. Ông khẳng định, để có thể quản lý và xử lý được việc những ca khúc có đạo nhạc hay không thì phải có sự tham vấn của các nhà chuyên môn và mọi thứ phải tiến hành theo trình tự của pháp luật.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ban-quyen-nhac-viet-van-la-bai-toan-kho-2201466-b.html