Bản quyền EURO 2012 - Nhìn từ góc độ kinh doanh

Bản chất, việc mua lại bản quyền EURO 2012 của VTV là một hợp đồng kinh tế giữa VTV và UEFA mà ở đó, các bên tham gia phải chịu sự chi phối của các điều luật liên quan.

Bản quyền truyền hình EURO 2012, câu chuyện đang gây tranh luận và sự chú ý của dư luận mấy ngày gần đây được nhắc nhiều như là chuyện cho phép hay không cho phép của VTV - đơn vị mua được bản quyền với các đơn vị khác muốn sử dụng hình ảnh của giải bóng đá này. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản chất thì đây là một bản hợp đồng kinh tế mà ở đó các bên tham gia phải chịu sự chi phối bởi các điều luật liên quan.

Sau khi những thông tin về bản quyền Vòng chung kết EURO 2012 được Đài truyền hình Việt Nam (VTV) công bố, nhiều cơ quan báo chí đã có những câu hỏi thể hiện sự băn khoăn, thắc mắc khi muốn sử dụng, khai thác hình ảnh của giải đấu này.

Ngay lập tức, mọi chuyện gần như sáng tỏ khi Liên đoàn bóng châu Âu – UEFA, đơn vị tổ chức giải đấu EURO 2101 trực tiếp trả lời những băn khoăn, thắc mắc này. Theo đó, với UEFA, EURO 2012 là một thương vụ kinh doanh và bản quyền phát sóng hình ảnh giải đấu này là các hợp đồng kinh tế. Và VTV, với tư cách là đối tác duy nhất của UEFA được quyền phát sóng hình ảnh EURO 2012 trên lãnh thổ Việt Nam sẽ phải tuân thủ những nguyên tắc mà bản hợp đồng kinh tế này đã đặt ra.

Chi tiết hơn, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập, Đài truyền hình Việt Nam cho biết, bản quyền mà VTV có được liên quan tới hình ảnh động và clip. Chính xác hơn, VTV có toàn quyền về các clip, hình ảnh động liên quan tới EURO 2012 trên lãnh thổ Việt Nam.

Ông Hà Nam cũng khẳng định, mục đích VTV mua bản quyền giải đấu này không phải để kinh doanh. Vì vậy, VTV muốn chia sẻ tối đa với các báo chí khác. Tuy nhiên, hợp đồng giữa VTV và UEFA thì VTV buộc phải tuân thủ. Ông Hà Nam cũng cho biết, “bản thân VTV cũng đang phải xử lý “chống tràn sóng” để không phát sóng ra ngoài lãnh thổ”…

Như vậy có nghĩa, Đài Truyền hình Việt Nam có toàn quyền sử dụng các clip và hình ảnh động về EURO 2012. Nhưng kèm theo quyền, VTV cũng còn có trách nhiệm với hợp đồng đã ký kết. Theo đó, VTV phải có trách nghiệm thông báo với UEFA nếu phát hiện ra các trường hợp là bên thứ 3 phát tán các clip về EURO 2012. Điều khoản này có thể hiểu là nếu VTV biết mà không thông báo thì vẫn có thể bị coi là vi phạm hợp đồng, dù là tình huống “vi phạm thụ động” và vẫn có thể bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.

Về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự cũng khẳng định: “Luật bản quyền trên thế giới quản lý. VTV có nghĩa vụ phải thực hiện những điều khoản đó của hợp đồng, nếu không sẽ bị phạt”.

Ông Hưng cũng lấy ví dụ vụ kiện trị giá 1 tỷ USD 2 năm trước mà Tập đoàn truyền thông Viacom International của Mỹ kiện Youtube và Google. Theo bản án của phiên tòa sơ thẩm, Youtube - trang web chia sẻ hình ảnh hàng đầu thế giới và Google – trang tìm kiếm lớn nhất toàn cầu đã vi phạm bản quyền truyền hình khi cho đăng tải trái phép clip các show truyền hình nổi tiếng của Tập đoàn Viacom International như The Daily show, SpingeBob SquarePant...

Mặc dù việc đăng tải các clip này lên Youtube chủ yếu do khán giả cập nhật lên một cách tự do, nhưng vì nhà mạng có khả năng kiểm soát hệ thống mà không xử lý nên Youtube vẫn bị kiện vì vi phạm bản quyền, dù là “vi phạm thụ động”. Thực tế, Youtube vẫn có thể mất 1 tỷ USD nếu Tập đoàn truyền thông Viacom International thắng kiện trong phiên phúc thẩm tới đây.

Ở Việt Nam, việc thực hiện bản quyền đôi khi chỉ được coi là sự san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng trong môi trường quốc tế, chi phối hành vi của các bên chỉ có các điều khoản của hợp đồng kinh tế và các điều luật. Nên đôi khi, sự cả nể sẽ mang lại rủi ro cho không chỉ người vi phạm bản quyền mà cả những người có bản quyền mà bị đẩy vào tình huống “vi phạm thụ động”.

Mời xem Clip tại đây

Theo VTV

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-noi/201203/Ban-quyen-euRo-2012-Nhin-tu-goc-do-kinh-doanh-2065301/