Ban phụ huynh đại diện cho ai?

VH- Ban phụ huynh là một tổ chức không bắt buộc nhưng đã được thành lập và tồn tại hàng mấy chục năm nay trong các trường, các lớp.

Đây là tổ chức được thành lập nhằm phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục như: giáo dục học sinh yếu kém, học sinh chậm tiến, giáo dục nếp sống thanh lịch cho học sinh. Thế nhưng... Công cụ của... nhà trường? Nhưng những năm gần đây, khi tình trạng lạm thu diễn ra ở hầu hết các trường, thì công việc của Ban phụ huynh không chỉ là cầu nối nữa mà Ban phụ huynh được giao một “trọng trách” – đề xuất và thu những khoản tiền mà Nhà nước không cho phép nhà trường thu. Chính vì vậy, Ban phụ huynh nhiều khi không còn là đại diện cho phụ huynh mà trở thành “công cụ” của nhà trường trong việc hợp lý hóa các khoản thu ngoài quy định. Công bằng mà nói thì tham gia Ban phụ huynh là việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên không phải ai cũng thích. Ngược lại, không phải ai thích cũng được bầu vào Ban phụ huynh vì ngoài việc có thể sắp xếp được thời gian, có khả năng giao tiếp, hoạt động xã hội thì còn một tiêu chí khá quan trọng tuy không nói ra nhưng ai cũng biết, đó là người có “máu mặt” hoặc điều kiện kinh tế khá giả để khi “hô” đóng khoản nọ, khoản kia, họ không phải “lăn tăn” nhiều ít. Thậm chí có những trường hợp đại diện cho phụ huynh của trường (Trưởng ban phụ huynh của trường) lại là một người chẳng có con cháu gì học trong trường. Anh Thắng – một cán bộ ngân hàng có con học một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, khi con vào lớp 1, anh đã “bị” bầu vào Ban phụ huynh của lớp và trường. Giữ chân Trưởng ban được một năm, lấy lí do quá bận công tác nên anh xin rút, nhưng nguyên nhân chính là anh thấy nhiều khi khó xử vì có không ít gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong khi nhà trường luôn gợi ý Ban phụ huynh thu khoản này khoản nọ, mình không ủng hộ nhà trường thì không được, mà cứ bắt phụ huynh đóng cũng thấy không phải. Anh Lê Hà ở quận Tây Hồ thì bức xúc: Mới vào năm học, chưa ai bầu bán gì mà trong buổi họp phụ huynh, một vị đã đứng lên phát danh sách các khoản thu kèm theo lời giải thích: “Đây là những khoản dự kiến thu mà Ban phụ huynh chúng tôi đã thảo luận với nhà trường”. Ngạc nhiên là vì chưa có ai bầu sao lại có vị đại diện này? Và tại sao nhà trường và cái Ban phụ huynh tự bầu ấy lại thảo luận trước các khoản đóng góp. Lẽ ra phải là họp phụ huynh, bầu Ban phụ huynh, sau đó nếu cần đóng góp gì thì các phụ huynh đưa ra các khoản, các phương án, thống nhất xong mới đề nghị nhà trường. Phụ huynh “ngoan” vì... ngại Người viết bài này còn nhớ năm ngoái khi đi họp phụ huynh cho con ở một trường mầm non, Ban phụ huynh đã thông báo là với số tiền quỹ Ban 200.000 đ/ học sinh thì trong học kỳ 1 đã chi hết, vì vậy để duy trì các hoạt động của Ban phụ huynh trong học kỳ 2, mỗi phụ huynh tiếp tục đóng 200.000 đ. Một phụ huynh đã đứng lên “chất vấn” xem chi những khoản gì mà 1 học kỳ hết 10.000.000đ tiền quỹ, đại diện Ban phụ huynh liệt kê các khoản quà cáp cho nhà trường và giáo viên vào các dịp: 2.9 (vì mầm non học từ đầu tháng Tám), Trung thu, 20.10, 20.11, Tết Dương lịch,... Nói chung là bất cứ ngày nào cũng mua quà tặng (trong đó có những ngày dành cho các cháu như Trung thu). Chính vì những khoản chi bất hợp lý này mà phụ huynh đó đã kiên quyết không nộp thêm tiền quỹ, nhưng 49 người còn lại “ngoan ngoãn” móc ví. Nói chung là trăm thứ tiền đóng mà mỗi năm các trường lại nghĩ ra những khoản thu mới. Từ những cái nhỏ như cốc uống nước, tiền xà phòng rửa tay, tiền bảo vệ, vệ sinh đến các khoản lớn như mua bình nước nóng lạnh, tiền hỗ trợ mua máy tính, máy chiếu, điều hòa, lát sàn gỗ,... Nhà trường “thảo luận” với Hội phụ huynh và phụ huynh chỉ còn cách ký tên tự nguyện. Phụ huynh bị “bắt buộc tự nguyện” vì tâm lý muốn con mình không bị gây khó dễ. Chị Nguyễn Thu Hà có con học tại một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng, HN kể: Con tôi mới vào lớp 1, tôi cũng đã tự nguyện đóng các khoản được cho là “được sự đồng ý của Hội cha mẹ học sinh”. Xong khoản trường, Ban phụ huynh lớp lại đề nghị: Mỗi phụ huynh đóng 60.000 đ để cô mua hộ bút chì, vở viết. Tôi có ý kiến là đồ dùng học tập của các con thì gia đình đã sắm hết rồi nên khoản này thôi. Mấy hôm sau, giữa bao nhiêu người, tôi bị cô phê bình: Tôi đã dặn phụ huynh là chuẩn bị cho các cháu 3 quyển vở 3 màu khác nhau để dễ phân biệt, sao chị cho con mang 3 quyển đều màu vàng. Tôi phân trần: Vì em đi mua cả chục từ hôm hè nên nó cùng màu, để phân biệt, em sẽ đánh số vào cho cháu khỏi nhầm lẫn. Cô vẫn tỏ ra không bằng lòng vì “có mấy quyển vở cũng không tạo điều kiện cho con học”. Chị cảm thấy vừa ngại với những người xung quanh, vừa ấm ức vì đâu phải chị không tạo điều kiện cho con. Năm nào tiền trường cũng trở thành vấn đề nóng vì nó liên quan đến “ngân sách” của các gia đình. Nhà nước cấm thì phụ huynh “tự nguyện” và hầu như sự “tự nguyện” đầy bắt buộc này đều thông qua cầu nối là “Ban phụ huynh”. Nếu phụ huynh kiên quyết từ chối các khoản đóng góp vô lý, nếu Ban phụ huynh đại diện cho ý chí của phụ huynh, thì chắc rằng câu chuyện “lạm thu” từ bao năm nay đã không còn tồn tại khi mà Nhà nước cấm, còn dân không đồng tình. Hoàng Ái Châu

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/giaoduc/29720.vho