Bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ: Hậu quả công nghệ TQ?

Công nghệ chúng ta nhập từ Trung Quốc về chất lượng kém là một trong những nguyên nhân khiến PVTex hoạt động kém hiệu quả.

Phải bán nhanh

Liên quan đến việc tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang có ý định bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nếu tìm được đối tác phù hợp, trao đổi với Đất Việt, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng trong điều kiện kinh doanh thua lỗ kéo dài như thời gian qua, bán PVTex là một cách để cứu vãn tình hình.

Theo TS Doanh, chúng ta không nên quá khắt khe khi thấy giá bán ra thua lỗ so với giá khi báo cáo. Đối với 1 nhà máy bị thua lỗ và hiện nay chưa hoạt động được thì đòi hỏi giá cao là một điều vô nghĩa vào lúc này.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng công nghệ chúng ta nhập từ Trung Quốc về không tốt, thậm chí chất lượng kém, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế kém tại PVTex.

“Tôi ủng hộ việc cố gắng giải quyết nhanh chóng việc này. Khi nhà máy, nhà xưởng, máy móc và người lao động vẫn còn đấy thì nên tìm một ông chủ mới để đưa công nghệ mới và vốn mới vào nhằm cứu vãn tình hình. Các cuộc phá sản trên thế giới đều diễn ra như thế. Các nước khác họ cũng chịu cay đắng về phá sản nhưng rồi cũng bao lần thành công từ những thất bại như vậy”, ông Doanh khẳng định.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) ví tình trạng đang tồn tại ở PVTex như một cái ung nhọt cần phải tìm cách để chữa trị. Theo ông, nếu chúng ta cố gắng duy trì bằng mọi cách thì chắc chắn sẽ ngày càng thua lỗ và đẩy PVTex vào tình trạng trì trệ hơn.

“Khi bán thì PVTex cần có căn cứ, cơ sở, phải tính toán hiệu quả. Bây giờ càng duy trì hoạt động của xơ sợi Đình Vũ thì lại càng lỗ. Nếu ung nhọt thì phải cắt đi. Chúng ta phải kiên quyết cắt bỏ nếu không cuối cùng chỉ là một đống sắt vụn mà thôi”, PGS.TS Long nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng, vào thời điểm này việc bán PVTex cũng không hề đơn giản, tại vì để tìm các đối tác quan tâm rất khó.

“Bây giờ cần xác định PVTex bán với giá nào? Đó mới là vấn đề quan trọng. Ngoài ra cũng cần xem có đối tác nào muốn mua hay không? Và khi mua họ có khả năng phục hồi hay lại để lãng phí, chuyển đổi mục đích sản xuất kinh doanh. Đấy mới là điều đáng bàn”, PGS.TS Long nói.

PVN bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ: Ai mua?

Hậu quả công nghệ Trung Quốc

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ như hiện nay tại nhà máy xơ sợi Đình Vũ, ông Long cho rằng bài toán kinh tế ở đây đặt chưa đúng, chưa trúng.

“Bao giờ đầu tư dự án cũng phải tính đến hiệu quả. Chẳng ai dại gì đầu tư một dự án mà không mang lại hiệu quả và sinh lời. Tuy nhiên ở đây tôi cho rằng tầm nhìn và tính toán của người lập dự án ngay từ ban đầu không chuẩn xác dẫn đến hậu quả là thua lỗ. Thủ tướng đã nói rằng không phải bằng bất chấp mọi giá đầu tư, phải tính đến hiệu quả.

Ngoài ra công nghệ của chúng ta nhập từ Trung Quốc về không tốt, thậm chí chất lượng kém. Từ đó mới dẫn đến hiệu quả kinh tế kém.

Dự án này cũng giống như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ban đầu là tính toán hoàn toàn khác. Sau đó thì thời gian thi công kéo dài, đội giá, thay đổi các công nghệ”, PGS.TS Long dẫn chứng.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc đầu tư, sử dụng công nghệ của Trung Quốc, vay vốn và lựa chọn nhà thầu của Trung Quốc rõ ràng có vấn đề.

Theo TS Doanh, nhà máy PVTex được xây dựng với kỳ vọng sẽ bù đắp vào lượng nhập khẩu sợi polyester, tức là sợi tổng hợp. Tuy nhiên dù chưa đi vào hoạt động chính thức đã thua lỗ, đắp chiếu kéo dài.

“Cần phải có sự phân tích và xem xét rất cặn kẽ, thật sự khách quan. Kế hoạch lập ra ban đầu chưa đúng. Đối với tình hình hiện nay phải có giải pháp công nghệ, phải có vốn mới đưa vào thì mới giải quyết được vấn đề”, TS Doanh nói.

Phải quy trách nhiệm người làm sai

Bên cạnh đó, TS Doanh cũng chia sẻ lo ngại của nhiều người về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm đến mua lại PVTex vì những thuận lợi về vốn, công nghệ, nhân công giá rẻ. Tuy nhiên ông cho rằng, không chỉ với doanh nghiệp Trung Quốc mà với bất cứ quốc gia nào, để tránh những lùm xùm có thể xảy ra thì chúng ta phải đưa ra các quy định ràng buộc cụ thể.

“Chúng ta không nên từ chối một nhà đầu tư nào nếu như họ đến với một thái độ nghiêm túc. Kể cả nhà đầu tư Trung Quốc. Vấn đề ở đây là cần có 1 hội đồng giám sát chặt chẽ việc này để tránh lợi ích nhóm, tránh tình trạng phía Trung Quốc đút lót mua người này, người kia rồi thành ra hội đồng “chuột”. Khi đó thì sẽ hết sức phức tạp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/ban-nha-may-xo-soi-7000-ty-hau-qua-cong-nghe-tq-3320222/