Bàn mãi về một chuyện đã cũ...

Cái “chuyện đã cũ” ấy là chuyện học thêm dạy thêm. Trên các trang truyền thông chính thống, các trang mạng xã hội, hay các blog, facebook cá nhân, hầu như năm nào chúng ta cũng bàn về chuyện này, ngày nào cũng bàn. Bàn rồi cũng chỉ để mà... bàn.

Ngay cả kẻ viết những dòng này cũng đã nói trên báo giấy, báo điện tử, trang cá nhân, trên truyền hình và cả các diễn đàn, các cuộc giao lưu không dưới... một trăm lần. Ngay trên mạng cũng còn lưu chương trình “Khách của VTV3” có cuộc trò chuyện của lão già này với nhà báo Lại Văn Sâm với chủ đề “Chuyện học hành” cách đây có dễ cũng đã gần... một thập kỷ. Trong “Chuyện học hành” ấy, chúng tôi cũng đã bàn đến việc học thêm, dạy thêm. Ngày xưa, thời chúng tôi đi học, không có chuyện dạy thêm, học thêm. Nếu em nào kém thì thầy nhờ bạn khá hơn kèm trong “tổ học nhóm”, hoặc sau giờ học, thầy ngồi lại với học trò chừng 15, 20 phút, hoặc cùng lắm là nửa tiếng. Thảng hoặc có em quá kém thì thầy đến tận nhà kèm vài buổi, nhưng không lấy tiền. Nếu có học thêm thì chỉ dành cho các em trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi, để thầy cô củng cố lại kiến thức. Gọi là “Lớp bồi dưỡng học sinh giỏi”. Học sinh được học lớp này cũng không phải đóng tiền. Buổi sáng vẫn theo các lớp đại trà để kiến thức chung không bị gián đoạn. Buổi chiều bồi dưỡng những môn sẽ thi. Thời gian cùng lắm chỉ nửa tháng, một tuần hoặc vài ngày. Sau đó trở lại học bình thường. Tuyệt nhiên không có chuyện học thêm. Mà hồi đó, chúng tôi cũng chỉ học nửa buổi. Sáng đến lớp. Chiều giúp bố mẹ ra đồng cấy lúa, gánh phân, tát nước hay chăn trâu, cắt cỏ. Vậy mà tôi học vẫn giỏi, từng đoạt giải Nhất văn miền Bắc, lại còn có thời gian đọc sách, làm thơ, trở thành nhà thơ nổi tiếng ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Bây giờ các con tôi học cả ngày mà vẫn phải học thêm. Càng học càng kém. Đầu óc càng mụ mị. Nhưng không thể không học thêm. Chính tôi cũng phải xin cho con tôi học thêm. Mà rất vất vả các thầy cô mới chịu nhận.

Việc học thêm đã trở thành nỗi nhức nhối, ám ảnh cả xã hội. Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây tại TP. Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cũng được người dân chất vấn về chuyện dạy thêm học thêm này. Có người còn đề nghị Ban Bí thư có biện pháp cấm triệt để dạy thêm, học thêm. Ông Đinh Thế Huynh cho rằng, cần xem xét giữa học thêm tự nguyện và học thêm theo kiểu ép buộc: “Chúng ta chống tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, cố tình cắt xén chương trình trên lớp để buộc học sinh phải học thêm, nếu không học thêm sẽ bị điểm kém hoặc không cho lên lớp”. Còn trường hợp tự nguyện đi học thêm để tu bổ kiến thức thì không thể cấm được. Ông Huynh cho rằng đó là quyền của mỗi người. Ví như học thêm để nâng cao nhận thức, trình độ, học thêm kỹ năng sống, ngoại ngữ thì rất cần chứ. “Các bác đề nghị Nhà nước cấm, nhưng nếu con cháu thích đi học thêm các bác có cấm không. Bây giờ thời buổi dân chủ, chỉ cấm những việc làm trái quy định pháp luật. Quản lý việc này phải thật nhuần nhuyễn trên cơ sở pháp luật chứ không thể nói cấm là cấm luôn”.

Cùng là giáo viên mà có nơi thầy cô tháng thu nhập từ dạy thêm hàng vài chục triệu đồng, nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì các thầy cô phải lấy tiền túi từ đồng lương vốn đã ít ỏi để mua quà dụ học sinh đi học.

Muốn hết khô âm đạo khi quan hệ, hãy làm theo cách sau

Cụ ông 82 tuổi chia sẻ cách "chấm dứt" Đờm, Ho, Khó thở vì Hen suyễn

Quả đúng như vậy. Không thể cấm được chuyện học thêm, khi học sinh thực sự có nhu cầu. Và với chương trình học như hiện nay, nếu không học thêm, dạy thêm, không thể đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Và như thế, việc ta bàn vẫn tiếp tục bàn. Chuyện cũ mà không cũ. Đèn cù chạy tít vòng quanh. Và nói như nhà thơ Văn Công Hùng: Giờ dạy thêm xôm hơn giờ dạy chính. Bố mẹ, ông bà thành xe ôm của con, cháu. Không được chậm một phút. Tan chỗ này lao sang chỗ khác, gà gật nhai bánh mì, bánh bao trên yên xe máy. Vừa xong toán chỗ này lao ngay sang sinh chỗ kia, rồi nhao đến văn và về ngoại ngữ... Cứ thế, chả phải mình học sinh, mà cả xã hội cứ loạn cào cào cả lên, cứ như mục đích chính của cuộc đời chỉ còn học thêm, học thêm và học thêm... Và rồi thu nhập của giáo viên thì, lương chính thành phụ, lương phụ dạy thêm thành chính. Nhưng té ra không phải thế và không chỉ thế. Hàng triệu trẻ em vùng cao, vùng sâu vùng xa, và kèm đấy là hàng vạn thầy cô giáo, có được học sinh đến trường là hạnh phúc rồi, phải bỏ tiền túi mua kẹo rẻ tiền dụ chúng đi học, chứ lấy đâu ra mà dạy thêm dạy nếm mà có thêm tiền thu nhập. Vậy thì có bất công quá trong khi xuất phát điểm cùng là giáo viên với nhau mà giờ người thì tháng thu nhập từ dạy thêm hàng vài chục triệu đồng và người thì lấy tiền túi từ lương vốn đã ít ỏi mua quà dụ học sinh đi học, trong khi con mình thì lại phải gửi tứ tán, lại phải khổ hạnh với nạn học thêm.

Cũng theo nhà thơ Văn Công Hùng khi anh làm một cuộc khảo sát trong đội ngũ giáo viên, phụ huynh, thầy giáo An Thanh Lương ở Hà Nội đã rất thẳng thắn: “Tôi xin nhờ các anh chuyển đến Bộ Giáo dục lời nhắn sau đây: Tôi đã viết nhiều, nói nhiều nhưng họ không đọc, không nghe. Ngày trước chúng ta đi học làm gì có dạy thêm, học thêm. Trong một lớp học có đủ các đối tượng khá giỏi, trung bình và yếu kém. Giáo viên phải dạy phù hợp cả ba đối tượng. Nhưng rồi Bộ sinh ra trường chuyên để tạo gà nòi đi thi học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế. Trường chuyên thì ít mà số muốn có xuất để chắc thi đại học thì nhiều nên các trường đẻ ra lớp chọn. Đây chính là mầm mống của tệ dạy thêm học thêm ở các tỉnh, thành phố. Chứ ở nông thôn, miền núi mời học sinh đi học còn khó. Trường chuyên lớp chọn đẻ ra tệ thành tích trong giáo dục và gian lận trong thi cử. Cách đây 15 năm tôi đã viết trên báo, phải bỏ trường chuyên lớp chọn. Bộ Giáo dục đã bỏ trường chuyên cấp phổ thông cơ sở, chỉ còn giữ ở bậc trung học phổ thông. Còn lớp chọn thì thả nổi. Một trường một khối lớp không chỉ có một lớp chọn mà có nhiều lớp chọn A, B, C, D, E... Phải mất tiền mới vào được lớp A, là lớp chọn thứ thiệt, các lớp chọn khác đều đánh lừa phụ huynh cả thôi”. “Dạy thêm ư? Không có thêm thắt gì ở đây hết. Tiêu cực - chị Nam Phương, phụ huynh ở Hà Nội thẳng thắn - Cứ dạy hết mình trên lớp đi, con trẻ cũng rất cần được nghỉ ngơi. Nếu gia đình có nhu cầu họ sẽ học gia sư hoặc đưa con đến trung tâm chứ không phải là giáo viên của lớp. Phụ huynh sợ con bị trù nên mới phải cho con đi học thêm thôi. Đó là sự thật”. Phụ huynh Trần Đào ở Tam Kỳ thì cho rằng: “Ai dạy thêm thì nghỉ dạy chính, để chuyên tâm dạy thêm, còn suất chính đó để sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường hiện thất nghiệp thế chỗ. Còn không thì để giáo viên về hưu họ dạy. Các thầy về hưu nhiều kinh nghiệm lắm”. “Giáo viên dạy thêm ở nhà á? Có lấy được tiền thiên hạ cũng đổ mồ hôi ròng ròng - cô giáo Phan Mai Hương, giáo viên, trường chuyên Hòa Bình tâm sự. Mà chỉ có giáo viên giỏi mới có học sinh đến học. Con số đó ít lắm. Còn đa số giáo viên chỉ trông vào đồng lương, không chết đói, nhưng đói đến chết”. “Sao họ nghĩ giáo viên lấy tiền thiên hạ dễ thế nhỉ - cô giáo Mai Phương ở Thanh Hóa bộc bạch - Dạy thêm con người ta mà cuối học kỳ điểm thi bị sụt là đau đầu lắm, khổ lắm chứ đâu có đơn giản. Với chương trình học và thi như bây giờ nếu không cải cách thì không thể không học thêm. Thứ nhất học sinh bây giờ rất lười học. Tính tự giác không cao. Thứ 2 chương trình học quá nặng ở tất cả các cấp học. Thứ 3 học một lại thi mười. Thứ 4 năng lực giáo viên chưa đồng đều nên học sinh tìm thầy cô giỏi hơn để học là một tất yếu. Đừng đổ vì tiền mà giáo viên đi dạy thêm. Một giáo viên không có chuyên môn tốt đố bói được học sinh đến học. Đừng nói giáo viên có thể trù học sinh. Không trù được đâu. Chính học sinh là người đánh giá năng lực giáo viên chuẩn nhất và chính xác nhất...”.

Cuối cùng cũng đều khổ cả. Trò khổ đằng trò. Thầy khổ đằng thầy. Phụ huynh cay cực. Tất cả cùng quay cuồng trong “địa ngục trần gian” mà chúng ta vẫn quen gọi bằng cái tên rất đẹp là thế giới học đường.

Cần chấm dứt học thêm. Đó là con đường đúng đắn nhất. Vì các nước văn minh với nền giáo dục tiên tiến nhất đều không có chuyện học thêm. Làm sao để các con còn có thời gian đọc sách và vui chơi. Đừng tiêu diệt tuổi thơ của các con vì đời người chỉ có một lần. Muốn chấm dứt vĩnh viễn nạn học thêm dạy thêm phải tìm đến ngọn nguồn của vấn đề này, đó là Bộ Giáo dục & Đào tạo. Cần cải cách giáo dục. Và cải cách giáo dục không phải là thay sách giáo khoa hay thay cái bất cập này bằng cái bất cập khác, mà cần rà lại chương trình học. Chúng ta bắt các em phải học quá nhiều môn vô bổ mà trong đó có những điều cần phải học thì lại không được học. Điều này, một em học sinh lớp 12 cũng đã nói rất cụ thể trong video “Tường trình của một kẻ lười biếng” từng xôn xao trên mạng và tôi cũng đã bàn rồi. Bàn rất nhiều rồi. Đã đến lúc cần phải cải cách. Cải cách một cách đúng đắn, không tư lợi. Đó là cải cách ở Bộ Giáo dục & Đào tạo. Không còn con đường nào khác.

Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ban-mai-ve-mot-chuyen-da-cu-n134342.html