Băn khoăn về chất lượng và sự công bằng

Việc nhiều trường hạ điểm chuẩn để có thí sinh đã và đang khiến dư luận nghi ngại, lo lắng về việc nếu các trường hạ quá sâu điểm trúng tuyển sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các thí sinh trúng tuyển đợt 1 và đợt bổ sung cũng như ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của chính các trường.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến ngày 26-8, cả nước có 159 trường đại học (ĐH) thông báo xét tuyển bổ sung do không tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1. Để thu hút thí sinh, nhiều trường ĐH đã hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào hầu hết các ngành xét tuyển.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016.

Điều này đã và đang khiến dư luận nghi ngại, lo lắng về việc nếu các trường hạ quá sâu điểm trúng tuyển sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các thí sinh trúng tuyển đợt 1 và đợt bổ sung cũng như ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của chính các trường.

Trong đợt đăng ký xét tuyển đợt 1, mỗi thí sinh được phép nộp 2 nguyện vọng vào hai trường. Theo tâm lý chung, các em sẽ nộp nguyện vọng 1 vào trường ĐH mà bản thân yêu thích và nộp nguyện vọng 2 vào trường có điểm chuẩn thấp hơn để đảm bảo khả năng đỗ ĐH. Kết thúc thời gian xét tuyển, rất nhiều em được thông báo trượt ngành mình đăng ký nguyện vọng 1 nhưng đủ điểm đỗ vào ngành còn lại.

Trước tình hình này, nhiều em đã chấp nhận nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào ngành đã đỗ để xác nhận việc nhập học. Nhưng ngay sau đó, những ngành các em đã trượt lại thông báo tuyển bổ sung với điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp hơn nhiều so với đợt 1. Bất ngờ, tiếc nuối vì đã trúng tuyển nguyện vọng 2 là tâm lý phổ biến của nhiều thí sinh. Đây cũng là lý do khiến rất nhiều em ngay sau khi biết trường mình đăng ký nguyện vọng 1 thông báo xét tuyển bổ sung đã đến các trường đã trúng tuyển nguyện vọng 2 để xin rút hồ sơ.

Trong đó, chỉ riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, trong những ngày qua đã có hàng chục trường hợp đến xin rút hồ sơ để nộp sang trường khác. Một số trường khác như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng hay ĐH Thủy Lợi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được xét tuyển các đợt tiếp theo nên yêu cầu này của các thí sinh đều không được chấp nhận vì như thế là vi phạm quy chế.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Tỷ lệ hồ sơ ảo quá lớn không chỉ làm các trường “vỡ trận” vì tuyển không đủ chỉ tiêu mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều thí sinh khiến cho nhiều em điểm cao bị “trượt oan”.

Bởi lẽ, những thí sinh lẽ ra trúng tuyển thì không có chỗ, còn những thí sinh điểm cao hơn, đã trúng tuyển thì lại không nhập học. Bên cạnh đó, việc yêu cầu thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi trước khi nhập học vào các trường trúng tuyển đã khiến thí sinh không được lựa chọn các trường ở nguyện vọng sau.

Trước lo ngại của dư luận về việc điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của các trường đều giảm mạnh so với đợt 1 sẽ dẫn đến việc điểm chuẩn giảm mạnh, TS. Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Việc các trường hạ ngưỡng điểm nhận hồ sơ là điều dễ hiểu, nhất là đối với những trường thiếu nhiều chỉ tiêu bởi quy định của Bộ GD&ĐT không hề cấm điều này. Hơn nữa, các thí sinh cũng cần phải phân biệt được điểm trúng tuyển khác với điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Hiện các trường mới chỉ hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển nhưng khi công bố điểm trúng tuyển thì chắc chắn điểm chuẩn sẽ cao hơn rất nhiều.

“Có thể thấy, việc các trường hạ ngưỡng điểm xét tuyển chỉ là một cách để thu hút thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung nhằm "chống" lại thực trạng trúng tuyển ảo. Theo dự đoán, nhiều khả năng điểm trúng tuyển của đợt bổ sung này sẽ không có nhiều chênh lệch để đảm bảo chất lượng đào tạo cho các trường. Vậy nên các thí sinh khi đã trúng tuyển nguyện vọng 2 không nên "quá tiếc" khi thấy các trường hạ ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển”- ông Điền chia sẻ.

PGS. TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông lại bày tỏ lo ngại khi cho rằng, nguồn tuyển của đợt xét tuyển bổ sung năm nay đã cạn và rất khó để các trường có thể tuyển sinh với mức điểm cao hơn.

“Nếu các trường hạ điểm chuẩn xuống quá sâu, khoảng 2 hay 3 điểm thì chất lượng sinh viên sẽ không đồng đều. Chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng ngay trong một lớp học, một ngành học sẽ hình thành 2 mặt bằng trình độ khác nhau. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự công bằng giữa thí sinh trúng tuyển đợt 1 và trúng tuyển đợt bổ sung, đặc biệt là khi các thí sinh bị trượt nguyện vọng 1 lại có điểm cao hơn thí sinh trúng tuyển đợt bổ sung mà còn ảnh hưởng đến cả chất lượng đào tạo và uy tín của chính các trường”- ông Lập cho biết.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/ban-khoan-ve-chat-luong-va-su-cong-bang-405873/