Băn khoăn chọn trường cho con

Từ 15-6 đến hết ngày 15-7 là thời điểm nóng diễn ra tuyển sinh vào các lớp đầu cấp trên địa bàn Hà Nội.

Tại thời điểm này, câu chuyện chọn trường học cho con luôn là vấn đề mà phụ huynh quan tâm nhiều nhất. Cho con học trường nào, công lập, dân lập hay trường quốc tế; nên chọn trường điểm, trường được đánh giá là có chất lượng tốt hay trường bình thường; loại hình trường học nào sẽ tốt nhất cho con...?

Dù rằng, những câu hỏi trên luôn được các phụ huynh đặt ra trước mỗi mùa tuyển sinh từ năm học này tới năm học khác song rất khó có thể đưa ra một đáp án chung cho tất cả mọi người bởi mỗi trẻ có một đặc điểm khác nhau và mong muốn, điều kiện của các gia đình là không giống nhau.

Chị Phạm Mai ở phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 cho biết: Việc chọn trường nào cho con đã được vợ chồng chị đưa ra thảo luận từ rất sớm, ngay từ lúc cháu đang học mầm non.

Nhìn các con của một số bạn bè học tại một số trường tiểu học dân lập chất lượng cao rất nhanh nhẹn, tự tin, được trang bị nhiều kỹ năng sống thuần thục nên chị Mai luôn ấp ủ ý định cho con vào học tại các trường này.

Tuy nhiên, do tỷ lệ “chọi” vào các trường này luôn cao ngất ngưởng nên không phải gia đình nào có điều kiện tốt cũng có thể cho con vào học được vì khâu tuyển chọn rất khắt khe.

Dù con trai chị không đủ điều kiện trúng tuyển năm nay nhưng chị Mai vẫn nuôi quyết tâm là sẽ cho con vào học tại hệ thống trường này vì tại đây, hàng năm đều sàng lọc học sinh, những em nào không đạt yêu cầu sẽ phải chuyển trường và nhà trường sẽ tuyển bổ sung thêm học sinh mới.

Khác với chị Mai, chị Nguyễn Thanh Bình ở Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6 lại có quan điểm cứ phải cho con vào học trường công, không nhất thiết phải vào trường chuyên, trường dân lập chất lượng cao hay thậm chí là trường quốc tế.

“Điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ chính là khả năng thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh. Trong điều kiện hiện nay, nếu so sánh với các trường chất lượng cao, trường quốc tế thì điều kiện của trường công đúng là không bằng nhưng nếu các cháu “trụ” được trong môi trường công lập hiện nay thì chắc chắn cháu có thể “sống sót” trong mọi môi trường khác. Một số bạn bè tôi, từng cho con học tại các trường dân lập chất lượng cao nhưng sau đó, vì lý do khác nhau, phải chuyển con vào công lập thì nhiều cháu đã không thể nào theo kịp chương trình”- chị Bình cho biết.

Cho con học trường nào tốt nhất vẫn luôn là băn khoăn của phụ huynh trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp.

Cho con học trường nào tốt nhất vẫn luôn là băn khoăn của phụ huynh trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp.

Chị Trần Ngọc Lan ở Cầu Diễn (Hà Nội) thừa nhận: không thể có một mẫu số chung cho tất cả phụ huynh trong việc chọn trường cho con. Do vậy, khi chọn trường cho con trai, chị đã phải vạch ra các tiêu chí phù hợp với khả năng của con, mong muốn và điều kiện của gia đình.

“Do vợ chồng tôi không có nhu cầu cho con học thêm nên chúng tôi đã không chọn những trường có sự cạnh tranh cao giữa các học sinh, các trường mà tỉ lệ “chọi” để vào cao dù con có học lực giỏi. Bản thân mình luôn nghĩ đơn giản thế này, cùng một bộ sách giáo khoa, ngay cả các em học sinh miền núi, vùng nông thôn vẫn có thể học được, thậm chí tự học thì sao phải quá lo nghĩ đến chương trình. Thay vào đó, mình mong muốn con được phát triển toàn diện, có thời gian được làm những việc mình theo đuổi, có thời gian để học thêm ngoại ngữ; có khoảng thời gian mỗi ngày để đọc sách, để chơi cùng bố mẹ. Bên cạnh đó, mình luôn ưu tiên chọn trường học gần nhà vì mình không muốn để con tốn thời gian và sức khỏe vào việc tham gia giao thông. Và cuối cùng là trường học phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình”- chị Lan chia sẻ kinh nghiệm.

TS. Lê Thục Anh, giảng viên Khoa tâm lý, trường ĐH Vinh (Nghệ An) nêu quan điểm: Không có trường tốt hay trường xấu bởi mỗi môi trường sẽ mang đến cho học sinh những giá trị nhất định. Việc trường tốt hay không tốt không phải nằm ở nhận định của phụ huynh mà hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ thích nghi của trẻ đối với môi trường đó.

“Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng, ở bậc tiểu học, chưa đòi hỏi sự phân hóa, nên ưu tiên cho con học trường gần nhà. Bởi ở trường gần, con sẽ đỡ vất vả khi đi lại, thậm chí các con còn có thể tự đi đến trường và điều này con sẽ học được tính tự lập rất tốt. Các cha mẹ cũng dễ dàng xử lý vấn đề nếu như con có chuyện gì đó ở trường. Đối với cấp 2, lúc này các con đã bắt đầu hình thành một số năng lực nhất định, nên chọn những trường phù hợp với năng lực, sở thích để con có thể phát huy tối đa. Đối với cấp 3, lúc này các con đã hình thành rõ các năng lực và thế mạnh để hướng nghiệp nên ưu tiên để các con tự chọn trường phù hợp. Tất nhiên, trường phù hợp với con cũng phải phù hợp cả với điều kiện kinh tế của bố mẹ”- TS. Lê Thục Anh chia sẻ.

Với kinh nghiệm nhiều năm của một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, xây dựng mô hình giáo dục và tư vấn giáo dục cả trong và ngoài nước, TS. Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc điều hành Học viện phát triển tư duy và kỹ năng IEG Việt Nam, đưa ra những yếu tố cơ bản nhất giúp phụ huynh dựa vào đó, có thể lựa chọn trường học phù hợp.

Theo ông Hiếu, đầu tiên phụ huynh cần xác định xem triết lý giáo dục của ngôi trường mà con em mình sẽ theo học là gì, chương trình học của trường có phù hợp không?

“Ở khâu này, phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu “cái ruột” của chương trình từ chương trình học tổng quát, chương trình học cụ thể, lộ trình học dài hạn, đối tác triển khai, và hệ thống quản lý chất lượng. Giáo dục đôi khi phải mất 5-10 năm mới thấy kết quả rõ ràng. Vì vậy, tôi nghĩ phụ huynh cần tìm hiểu rõ hai mặt được -mất của nó bởi không có một chương trình giáo dục nào là hoàn hảo, dù nó được “đóng gói” và “dán nhãn” thế nào đi nữa”-ông Hiếu lưu ý.

Cũng theo ông Hiếu, vấn đề thứ hai mà phụ huynh cần chú ý khi chọn trường chính là hệ sinh thái của chương trình bao gồm hệ thống chương trình, nguồn tài liệu giảng dạy, hệ thống đào tạo và quản lý chất lượng... bởi những người thầy dạy giỏi có thể cho ra một hai lứa học trò giỏi, nhưng đi kèm hệ thống tốt và bền vững, họ sẽ xây dựng được một nền tảng tốt để cho nhiều lớp và thế hệ học sinh, chứ không phải một vài cá nhân nổi trội để trường xây dựng thương hiệu.

Thực tế cho thấy, một môi trường giáo dục nếu chỉ dựa vào một vài giáo viên giỏi, đó không phải là mô hình phát triển bền vững bởi học sinh có thể “đứt gánh” nửa đường nếu các thầy cô giáo đó chuyển sang môi trường khác.

Vấn đề thứ ba, theo ông Hiếu chính là cách đánh giá học sinh. Đây chính là điều thể hiện sâu sắc nhất triết lý giáo dục của mỗi trường.

“Nếu một trường học đặt mục tiêu là chuẩn hóa, thì từ chương trình đến người dạy, và cả việc đánh giá học sinh cũng chuẩn hóa đồng loạt. Nếu một trường học chú trọng phát triển từng học sinh, họ sẽ có cách đánh giá và phát triển học sinh khác nhau. Nếu học sinh được đánh giá chỉ đơn thuần qua những bài thi lấy điểm và chỉ những bài thi đó mà thôi, thì học sinh sẽ phát triển, theo cách học đối phó, học để thi” - ông Hiếu phân tích.

Và yếu tố cuối cùng, đó chính là chữ tâm bởi ông Hiếu cho rằng, một chương trình học hay, một thầy giáo giỏi, một cách đánh giá học sinh phù hợp chưa chắc đã tạo ra những lứa học sinh tốt về mọi mặt, nếu như bài toán của những người lãnh đạo trường thiếu đi chữ tâm.

“Dù tốt hoặc chưa tốt, một khi họ đã đam mê và đặt học sinh trong tâm, họ sẽ bám trụ và làm tất cả vì học sinh, chứ không phải chỉ đơn thuần vì vấn đề thương hiệu. Giáo dục là một con đường dài, vì vậy hãy nhìn theo chiều dài. Trường là nơi dạy làm người, và vì vậy đừng chỉ nhìn vào vì danh tiếng, truyền thông, hay “ngôi sao” trong trường. Hãy chọn chính… con người của trường, từ chính người quản lý, giáo viên cho đến nhân viên làm dịch vụ. Và dù chọn trường nào đi nữa, cũng hãy hiểu trách nhiệm nuôi dạy và đồng hành cùng con trên chặng đường dài. Thay vì phó thác 100% cho trường học, hãy chọn hỗ trợ, đồng hành và kết hợp cùng nhà trường để dạy con”- TS Nguyễn Chí Hiếu nêu quan điểm.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/ban-khoan-chon-truong-cho-con-445998/