Bản hùng ca bất tận

Đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là con đường chiến lược huyết mạch của dân tộc, nối liền ba nước Đông Dương, nối thông Nam-Bắc, chi viện quan trọng cho chiến trường miền Nam, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh ngày nay là con đường phòng, tránh thiên tai, bão lũ, hướng đến CNH-HĐH, phát triển kinh tế-xã hội, đưa miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng từng bước tiến kịp miền xuôi, đồng bằng, đô thị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Đáp ứng ý nguyện của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên có đường Trường Sơn đi qua, ngay từ tháng 8-2011, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương mở rộng ngã ba đầu tuyến Đường Trường Sơn Đông giáp với Đường Hồ Chí Minh và đặt biểu tượng tượng đài, cụm tượng đài "Huyền thoại Trường Sơn" làm điểm nhấn văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục, phát huy truyền thống và phát triển du lịch về nguồn hấp dẫn cả nước.

Phác thảo Tượng đài “Huyền thoại Trường Sơn”.

Ngày 4-8-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương xây dựng Tượng đài "Huyền thoại Trường Sơn" để khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tôn vinh sự đóng góp, hy sinh của các chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.

Nói về tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định: “Đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh thực sự đi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một “kỳ tích của thế kỷ 20” đã góp phần quan trọng để quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975. Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó khắc sâu trong ký ức của các thế hệ người Việt Nam”. Việc xây dựng Tượng đài "Huyền thoại Trường Sơn" khắc ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc, thể hiện tình cảm và sự tri ân sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với các lực lượng làm nên tuyến đường; đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ, tạo điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách du lịch và phát triển kinh tế-xã hội là việc làm cần thiết.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng cho biết: “Lấy cảm hứng từ những bài hát, bài thơ về Trường Sơn, từ những tư liệu ảnh, phim tài liệu và câu chuyện do nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kể lại. Từ tình yêu sâu đậm với con đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh đã thôi thúc tôi xây dựng tác phẩm “Huyền thoại Trường Sơn”. Với chất liệu tổng hợp, kích thước dài 18m; rộng 6,8m; cao 5,59m, tác phẩm “Huyền thoại Trường Sơn” góp phần ca ngợi và tôn vinh các chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn và thanh niên xung phong đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân trên chiến trường, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay".

Có thể nói, biểu tượng về Trường Sơn mãi là bản anh hùng ca bất tận về lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do chủ quyền đất nước, không sức mạnh nào có thể lay chuyển được.

Bài và ảnh: PHAN LÊ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ban-hung-ca-bat-tan-507635