Bản hòa âm lạc lõng

Vì hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 (tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington, Mỹ), diễn ra đúng vào ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nên càng thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.

Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink cho rằng, Washington ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình, như cơ chế trọng tài PCA, và Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết này. Nhiều học giả khẳng định, các hoạt động quân sự hóa thời gian qua đang làm thay đổi nguyên trạng và hủy hoại môi nghiêm trọng trường tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn

Nhưng nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lại coi phán quyết của PCA không mang tính ràng buộc pháp lý bởi PCA không chính thức mời Đài Loan tham gia vụ kiện “đường lưỡi bò”. “Phán quyết Biển Đông, đặc biệt là việc phân loại đảo Ba Bình đã gây phương hại đến lợi ích của chúng tôi trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liên quan”, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh. Cùng ngày 13-7, Tân Hoa xã trích lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình: “Các quần đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại” và “Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào dựa trên phán quyết của PCA”.

Cũng trong ngày 13-7, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn khẳng định, Bắc Kinh không chấp nhận bất cứ tuyên bố hay hành động nào dựa trên phán quyết của PCA. Ông Thường ngang ngược coi cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông” sẽ không bị tác động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trước đó (chiều 12-7), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh - bất kể có kết quả thế nào cũng không ảnh hưởng tới chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông!

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng tuyên bố, phán quyết của PCA phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ khiến cho tình hình gia tăng xung đột, thậm chí là đối đầu. Và về điều này Mỹ chính là kẻ đã châm ngòi cho sự gia tăng căng thẳng. Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan coi 12-7 là “ngày thứ ba đen tối của The Hague”, thậm chí còn cho rằng, phán quyết “là một sự sỉ nhục của luật pháp quốc tế”!

Ngày 11-7, tờ Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận thể hiện thái độ coi thường luật pháp quốc tế, chà đạp UNCLOS khi gọi phán quyết của PCA là “tờ giấy lộn” - lặp lại tuyên bố trước đó của ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc. Trước đó (8-7), tờ Thời báo Hoàn Cầu còn hung hăng tuyên bố, sẽ không lùi bước ở Biển Đông, sẽ giáng trả nếu bị tấn công!

Việc Mỹ từng tẩy chay một phiên tòa quốc tế cũng được Trung Quốc đưa ra để biện hộ cho quyết định bác bỏ phán quyết của PCA. Nhưng hành động này đã bị ông Paul Reichler, Luật sư trưởng cho Philippines trong vụ kiện “đường lưỡi bò” bác bỏ. Nhiều học giả cho rằng, ngoài những lý do về kinh tế, an ninh, quân sự, yếu tố lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng trong việc lý giải tham vọng của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò”.

Học giả David Welch đến từ Trường Quan hệ Quốc tế Balsillie tại Waterloo, tỉnh Ontario, Canada thì Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn lớn khi coi phán quyết của PCA không mang tính pháp lý, chính trị hoặc thực tiễn. Ngày 11-7, Hãng Reuters dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu: “Vấn đề Biển Đông không nên thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) ở Mông Cổ vào cuối tuần này và Hội nghị Thượng đỉnh ASEM không phải là nơi phù hợp để thảo luận về Biển Đông”. Trước đó, Tổng Thư ký Trung tâm Trung Quốc - ASEAN Dương Tú Bình cho rằng, Trung Quốc và ASEAN phải nắm bắt cơ hội, để xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh.

Giới bình luận coi phán quyết của PCA là phép thử về sự đoàn kết của các thành viên ASEAN. Và có không ít người lo ngại ASEAN sẽ chia rẽ sau phán quyết của PCA. Bởi trước đó, Campuchia đã khẳng định không ủng hộ việc ASEAN ra tuyên bố chung ủng hộ kết quả của PCA. Ngày 21-7, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 49 sẽ khai mạc tại Lào và theo trang mạng Thediplomat.com, ASEAN cần đoàn kết sau phán quyết của PCA. Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực. Ngoài ra, MFA cũng nhấn mạnh, Singapore ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Giới học giả Malaysia cho rằng, phán quyết mang tính bước ngoặt của PCA sẽ làm gia tăng và trầm trọng thêm căng thẳng ở Biển Đông, và không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Do đó, các học giả Malaysia kêu gọi ASEAN cần đẩy nhanh việc ký COC với Trung Quốc. Theo bà Elina Noor, Giám đốc Nghiên cứu An ninh và Chính sách đối ngoại của Viện Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế Malaysia, căng thẳng ở Biển Đông sẽ gia tăng và trầm trọng thêm của phán quyết của PCA - Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo, sẽ tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông và điều thêm nhiều tàu xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế của những nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Ông Ngeow Chow Bing, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaysia lo ngại, phán quyết có lợi cho Philipines sẽ đẩy Trung Quốc đến tâm lý “một mình đương đầu với nhiều người” và điều này sẽ dẫn tới hậu quả tai hại về địa - chính trị.

Ngày 13-7, Hãng AFP cho biết, Đài Loan đã điều tàu hộ vệ tên lửa Khang Định tới Biển Đông để tuần tra, chỉ 1 ngày sau phán quyết của PCA đối với “đường lưỡi bò”. Bởi theo phán quyết của PCA, đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan kiểm soát là một đảo đá, không thể tạo ra Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Đài Loan cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều thêm máy bay và tàu chiến tới khu vực này để tuần tra. Trước đó (10-7), Trung Quốc tuyên bố hoàn thành việc xây dựng phi pháp 5 ngọn hải đăng tại 5 bãi đá mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/ban-hoa-am-lac-long-450106.html