Bán hết doanh nghiệp Nhà nước, có sợ không còn gì để chống chọi lại cuộc xâm lăng của công ty nước ngoài?

Việc cổ phần hóa các DNNN, mở cửa hoàn toàn thị trường đối với những nước mới nổi có thể là con dao 2 lưỡi. Chúng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nhưng cũng có khả năng khiến chính phủ mất khả năng kiểm soát, điều hành thị trường cũng như khiến các ngành kinh tế mất chỗ dựa.

Liệu các doanh nghiệp non trẻ có chống lại được cuộc xâm lăng của các tập đoàn lớn quốc tế?

Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay, vấn đề tự do thương mại đang là điểm nóng tranh luận của nhiều chuyên gia cũng như các ứng cử viên.

Tuy nhiều chuyên gia ủng hộ sự giao thương rộng mở giữa các nước, nhưng chính những chính trị gia của nước Mỹ, thậm chí cả bà Hillary Clinton, cũng phải thừa nhận rằng nền kinh tế nước này dám mở cửa là nhờ các tập đoàn lớn, đủ hùng mạnh để dẫn đầu toàn ngành cho đất nước.

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, một nền kinh tế đáng gờm khác là Trung Quốc cũng đang chịu sự chỉ trích mạnh mẽ khi có nhiều chính sách bảo hộ cho các “gà nhà”. Tuy vậy, lại một lần nữa các chuyên gia không thể không thừa nhận rằng chính những tập đoàn lớn của Trung Quốc đã làm bức tường vững chắc trước cơn xâm lăng của các đối thủ ngoại.

Chính phủ vẫn cần các "ông lớn" để làm chỗ dựa cho toàn ngành

Vài thập niên vừa qua, hàng trăm nghìn công ty quốc doanh, những biểu tượng quốc gia đã bị cổ phần hóa hoặc chuyển giao cho lĩnh vực tư nhân. Số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Trung Quốc đã giảm mạnh từ hàng trăm nghìn xuống chỉ còn khoảng 20.000 trong những năm gần đây.

Trong khi đó, những nước phát triển như Australia, Anh, Pháp, Nhật Bản hay Canada cũng giảm số DNNN của mình từ hàng trăm xuống chí vài chục.

Mặc dù vậy, tờ Forbes cho rằng việc tồn tại của những DNNN, những thương hiệu quốc gia nổi tiếng là điều cần thiết đối với 1 nền kinh tế, nhất là tại những nước mới nổi.

Tất nhiên, tất cả các quốc gia trên thế giới đều hiểu điều đó và dù có mở cửa đến đâu, họ vẫn sẽ giữ những “quân bài” cốt lõi nhằm đảm bảo sự điều hành của chính phủ đối với nền kinh tế .

Một nghiên cứu của Viện Insper Intitute of Education and Research (IIER) năm 2013 cho thấy dù số DNNN suy giảm trên toàn cầu nhưng tỷ lệ kiểm soát của chính phủ trong các ngành trọng yếu, như dầu mỏ, ngân hàng... vẫn ổn định. Thêm vào đó, báo cáo cho thấy những doanh nghiệp tư nhân làm ăn rất tốt tại những thị trường phát triển, trong khi những nước chưa phát triển lại được hưởng lợi nhiều từ DNNN.

Nhiều quốc gia vẫn phải hậu thuẫn các ông lớn ngành thép trước cuộc xâm lăng của thép Trung Quốc giá rẻ

Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy các nước phát triển thích hợp với mô hình DNNN hơn khi những công ty quốc doanh này có thể cân bằng lợi ích xã hội, tăng việc làm cũng như đảm bảo an sinh hơn so với nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Tất nhiên, mô hình này ở các nước phát triển sẽ cần một cơ chế pháp lý và hoạt động chặt chẽ nếu không muốn bị hủy hoại bởi chế độ quan liêu, tham nhũng.

Quay trở lại với Trung Quốc, không phải ngẫu nhiên mà quốc gia này bảo hộ chặt chẽ các tập đoàn nội địa. Rõ ràng chính quyền Bắc Kinh không muốn đất nước họ trở thành những thiên đường thuế như quần đảo Cayman hay Ireland, khi mà giờ đây chính phủ phải nhượng bộ và chịu ảnh hưởng từ các tập đoàn lớn từ nước ngoài trong công cuộc phát triển kinh tế của chính nước mình.

Trung Quốc chắc chắn có lý do để bảo hộ DNNN và tất nhiên phía Mỹ không hài lòng khi các công ty của họ chịu thiệt. Tuy vậy, hãy lật ngược lại vấn đề khi giả sử Mỹ trở thành thị trường béo bở và các công ty nội địa lớn có nguy cơ bị thâu tóm bởi nước ngoài. Liệu Tổng thống Barack Obama khi đó có còn muốn thúc đẩy hiệp định TPP hay không?

Chế độ bảo hộ không biến mất, nó chỉ chuyển mình sang dạng khác

Trên thế giới hiện nay, hầu như tất cả các nước đang hô hào tự do thương mại, dỡ bỏ bảo hộ. Thế nhưng thực tế thì những chính sách bảo hộ của các nước chỉ trở nên tinh vi hơn mà thôi.

Năm 2013, Giám đốc Gred Hochberg của ngân hàng EIB, một ngân hàng nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ Mỹ, đến Cộng hòa Séc cùng hãng Westinghouse để tham gia đấu thầu cho một sự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

Khi đó, một quan chức của Cộng hòa Séc đã nói với ông Hochberg rằng họ sẽ chẳng thèm xem xét đến Westinghouse nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ EIB, hay nói cách khác là từ chính phủ Mỹ.

Trong thương vụ trên, công ty quốc doanh Rosatom của Nga đã cam kết đầu tư một nửa nguồn vốn cho dự án, đáp lại, EIB cũng cam kết sẽ làm tương tự nếu chính phủ Séc để Westinghouse thắng thầu.

Rõ ràng, chẳng có cái gọi là tự do thương mại hay dỡ bỏ độc quyền trong thương vụ trên. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp là tốt, giúp thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh, nhưng liệu chính phủ các nước có còn công ty nào đủ mạnh để kiểm soát và định hướng, làm chỗ dựa cho toàn ngành khi cổ phần hết tất cả?

Trung Quốc không muốn các công ty nhỏ của nước mình bị đè bẹp bởi các ông lớn quốc tế.

Vào năm 2012, khi một số công ty sản xuất tấm kính năng lượng mặt trời như Solyndra nhận được hỗ trợ từ chính phủ Mỹ mà vẫn phá sản, nước này đã áp đặt các mức thuế nhập khẩu mới lên những doanh nghiệp cùng ngành từ Trung Quốc. Thật trớ trêu, một nước kêu gọi tự do thương mại lại đi dùng rào cản thuế quan để "trả thù" cho gà nhà.

Phía Châu Âu cũng theo gót khi đe dọa sẽ tăng thuế lên mức 47,6% đối với các sản phẩm kính năng lượng mặt trời của Trung Quốc.

Đáp trả, Trung Quốc đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa, qua đó buộc Liên minh Châu Âu (EU) phải đi đến thương lượng một thỏa thuận chung cho cả 2 bên về ngành này.

Rõ ràng, chẳng có sự công bằng hay tự do nào trên thương trường khi lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng. Các nước có thể dỡ bỏ hàng rào thuế quan, mở rộng giới hạn đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng chính phủ các nước luôn có vô vàn cách khác nhau để can thiệp và bảo hộ lợi ích của họ.

Đối với các nước phát triển như Mỹ, việc kêu gọi tự do thương mại khá dễ dàng bởi các tập đoàn của họ đã quá mạnh và điều này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho nhà đầu tư Phương Tây.

Trong khi đó, việc cổ phần hóa các DNNN, mở cửa hoàn toàn thị trường đối với những nước mới nổi có thể là con dao 2 lưỡi. Chúng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nhưng cũng có khả năng làm mất kiểm soát, điều hành thị trường của chính phủ cũng như khiến các ngành kinh tế mất chỗ dựa.

Vì vậy, rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đã vô cùng cẩn trọng trong việc cổ phần hóa hay sáp nhập (M&A) các tập đoàn lớn nhằm vừa tăng cường hiệu quả kinh doanh nhưng cũng đảm bảo được quyền lợi quốc gia.

Băng Tâm

Theo Infonet

Nguồn CafeBiz: http://cafebiz.vn/ban-het-doanh-nghiep-nha-nuoc-co-so-khong-con-gi-de-chong-choi-lai-cuoc-xam-lang-cua-cong-ty-nuoc-ngoai-20161005154818395.chn