Ban hành Luật Cảnh vệ là rất cần thiết

Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu trong phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cảnh vệ diễn ra chiều 9-11.

Dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã quy định khá rõ đối với lực lượng Cảnh vệ khi “sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ”.

Theo đó, lực lượng Cảnh vệ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: Để cảnh báo đối tượng đang đột nhập khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ…

Phát biểu thảo luận về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, về số lượng cảnh vệ có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là sau vụ việc xảy ra tại Yên Bái, nhiều đại biểu mong muốn Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh cũng phải có cảnh vệ. Tuy vậy, nếu tăng số lượng lực lượng này lên là chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay.

Cũng theo ông Võ Trọng Việt, quyền nổ súng của lực lượng cảnh vệ quy định trong dự thảo Luật Cảnh vệ khác với Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. “Nếu trao quyền quá lớn cho lực lượng cảnh vệ mà không kiểm soát quyền lực ấy thì dễ dẫn đến lạm quyền”, ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.

Còn theo ĐB Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai), về phạm vi điều chỉnh, Luật này áp dụng đối với đối tượng cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến hoạt động cảnh vệ chứ chưa bao gồm đối tượng cảnh vệ nước ngoài. Đặc biệt, trong hội nhập quốc tế, nhiều hội nghị quốc tế có nhiều nguyên thủ quốc gia sang tham dự tại Việt Nam thì không chỉ có cảnh vệ Việt Nam mà còn có lực lượng bảo vệ nước ngoài đi kèm.

Do đó, nếu lực lượng cảnh vệ nước ngoài sử dụng vũ khí, phương tiện… tại Việt Nam thì văn bản nào điều chỉnh? Ngược lại, trong trường hợp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta công tác, hoạt động ở nước ngoài thì lực lượng an ninh đi theo lại không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này. Do vậy ĐB Nguyễn Công Hồng đề nghị đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật này phải bao quát được toàn bộ hoạt động của lực lượng cảnh vệ trên lãnh thổ Việt Nam và hoạt động của lực lượng cảnh vệ Việt Nam ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ban-hanh-luat-canh-ve-la-rat-can-thiet/708011.antd