Bán hàng đa cấp: “Mật ngọt” chết… sinh viên

Với những lời chiêu dụ hấp dẫn, đánh vào tâm lý “kiếm tiền nhanh chóng” cũng như sự thiếu kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ, bán hàng đa cấp đang từng bước “gặm nhấm” vào giảng đường. Tân sinh viên chính là đối tượng dễ “sa chân” vào mạng lưới này nhất.

Vốn thấp, lãi bất ngờ

Đó là tuyên bố hùng hồn của hầu hết các công ty đa cấp, rằng nếu tham gia bạn chỉ cần bỏ một số tiền nhỏ để mua sản phẩm hay học các khóa đào tạo về bán hàng, sau đó lời lãi thu về sẽ tăng theo cấp số nhân, 50 hay thậm chí 100 triệu/tháng là điều đơn giản?!

Bùi Ngọc Quỳnh, sinh viên năm nhất trường đại học Công Nghiệp, chia sẻ: “Có lần đi học về mình được 3 anh chị ăn vận rất lịch sự đến bắt chuyện. Nghe họ nói về lý tưởng sống, mục tiêu làm giàu rất hay làm mình cũng bị cuốn theo. Chị ấy còn khẳng định nếu mình gia nhập công ty, thì thu nhập hàng tháng kể cả khi đã trang trải tiền học và sinh hoạt phí sẽ vẫn còn thừa”.

Bạn Trần Thành Đạt, sinh viên năm 3 trường đại học Xây Dựng Hà Nội, kể lại hồi năm nhất, vì muốn đi làm thêm nên được người quen giới thiệu bán hàng mỹ phẩm cho một công ty ở Cát Linh. Đạt phải đóng 99.000 đồng để mua trước một bộ sản phẩm mà họ giới thiệu rằng rất dễ bán. Bán được càng nhiều thì tích điểm trên hệ thống của Đạt càng cao, và lương bổng theo đó sẽ tăng lên nhanh chóng. “Nghe họ diễn thuyết thì việc làm giàu đơn giản mà nhàn nhã lắm, vốn không nhiều mà lời lãi cứ sinh sôi” - Đạt nói.

Các sản phẩm thường bị đẩy lên rất cao trong khi chất lượng khó đảm bảo

Những lời hứa hẹn đó cũng nhanh chóng sụp đổ sau khi các bạn trở thành “cộng sự” của công ty. Như loại mỹ phẩm mà Đạt nhận bán, giá bị đẩy lên cao gấp 3 lần so với giá thị trường, đâm ra không dễ để kinh doanh như tưởng tượng. Trong khi đó, chỉ tiêu về việc tích đủ 100 điểm trên hệ thống mỗi tháng lại chẳng hề “châm chước”. Nhận rõ mình đang bị sa chân vào đa cấp, cậu bạn đã tỉnh táo suy xét và nhanh chóng tìm mọi cách để thoát khỏi mạng lưới này.

Tuy nhiên, kém may mắn hơn Đạt, nhiều sinh viên vì quá mê man trong những ảo tưởng tươi đẹp, bất chấp để bòn góp, vay mượn hay thậm chí cắm thẻ sinh viên, chứng minh thư lấy tiền nhập hàng về bán. Dù là mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng thì cuối cùng với cái giá quá “chát”, họ cũng không thể hoàn thành đúng chỉ tiêu, có nghĩa là lãi chưa thấy đâu mà hàng tháng vẫn phải oằn mình ra bù lỗ.

Một công ty đa cấp ở Cầu Giấy (Hà Nội) mới bị thu hồi giấy phép sau khi bị nhiều đơn từ khiếu nại về các hành vi sai phạm nghiêm trọng

Khó tin sao vẫn tin

Dễ thấy kịch bản mà các công ty đa cấp đưa ra để mời dụ sinh viên đều “xưa như trái đất”, thậm chí báo đài, internet còn mô tả rất chi tiết để cảnh báo mọi người. Vậy lý do gì khiến nhiều bạn trẻ vẫn nối chân nhau sập bẫy, còn các công ty “ma” vẫn ngang nhiên có đất sống cho riêng mình?

Nắm bắt được tâm lý các tân sinh viên thường rất háo hức đi làm thêm để có thu nhập và nhiều trải nghiệm, các công ty đa cấp đã vẽ ra những mô hình kinh doanh lý tưởng, với môi trường trẻ trung, năng động và hoàn toàn phù hợp với điều kiện của các bạn trẻ. Không những hứa hẹn về một việc nhẹ lương cao, họ còn cho sinh viên tham dự các buổi hội thảo đầy khoa trương, trong đó người diễn thuyết có khả năng nói cực “ngọt”, cực hay, người nghe nếu không sáng suốt dễ bị cuốn vào lúc nào không biết. Đạt cho hay: trong một tháng làm cho công ty ở Cát Linh, cậu vẫn tiếp tục nhận được những lời mời chào đến từ các công ty đa cấp khác. Có những buổi hội thảo người ta mời bạn đến dự miễn phí, nói rất bắt tai nhưng cuối cùng lại dụ dỗ đầu tư 8 triệu để tham gia vào một khóa đào tạo. Đạt thắc mắc số tiền lớn và vô lý như thế, thật chẳng hiểu nhiều bạn sinh viên nghĩ gì mà vẫn ngay lập tức đồng ý.

Quay cuồng trong bán hàng đa cấp, nhiều sinh viên dù hối hận nhưng vì đã lỡ ký hợp đồng, sản phẩm cũng đã nhận về nên buộc phải chấp nhận cảnh bán không được, hoàn trả cũng không xong. Tiền lỗ ngày một tăng, không muốn nói với gia đình đành phải tìm mọi cách tự mình xoay sở. Việc dắt mối cho bạn bè thậm chí người thân vào lưới đa cấp từ đó mà hình thành. Vậy là chỉ vì quen biết, tin tưởng nhau, nhiều người đã vô tình biến mình thành một mắt xích của đa cấp. Ảo vọng rồi thua lỗ, vay mượn rồi lôi kéo nhau, rồi lại ảo vọng và thua lỗ,… cái vòng tròn luẩn quẩn ấy đang ra sức cuốn vào không biết bao nhiêu người trẻ.

Những tranh cãi xung quanh bán hàng đa cấp là đúng hay sai, là hợp pháp hay bất hợp pháp, là một mô hình kinh doanh hay một vụ lướt sóng. Nhưng Jon M. Taylor, người từng làm trong ngành đa cấp và nghiên cứu vấn đề của ngành công nghiệp suốt 18 năm, nói trên Chicago Tribune: Đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy một mô hình đa cấp đủ bền vững. Tất cả có cùng lỗ hổng: phụ thuộc vào chuỗi tuyển dụng vô tận. “Kim tự tháp” tuyển dụng đó cứ lớn dần lên, cho đến khi người ta không thể tìm thêm được “viên gạch” nào đặt vào đó được nữa.

Linh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/ban-hang-da-cap-%e2%80%9cmat-ngot%e2%80%9d-chet%e2%80%a6-sinh-vien