Bán hàng đa cấp: Cần đưa về đúng quỹ đạo

Thổi phồng lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp (BHĐC); quảng cáo quá mức công dụng của các sản phẩm kinh doanh…dẫn đến việc kinh doanh không đúng tôn chỉ mục đích, là một trong những lý do khiến nhiều DN BHĐC bị Bộ Công Thương rút giấy phép hoạt động trong thời gian vừa qua.

Số người tham gia BHĐC giảm gần 60%

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến đầu tháng 11/2016, 25 công ty BHĐC đã bị rút giấy phép, chấm dứt, tạm ngừng hoạt động BHĐC. Hiện tại, số DN hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 công ty tại thời điểm đầu năm 2016.

Trong đó có 14 DN bị thu hồi giấy phép; 11 DN chấm dứt và tạm ngừng hoạt động. Cùng với đó, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp 6 tháng đầu năm 2016 có khoảng 500.000 người, giảm 57% so cùng kỳ năm 2015.

25/67 doanh nghiệp BHĐC bị thu hồi giấy chứng nhận; chấm dứt, tạm ngừng hoạt động BHĐC. Ảnh Internet.

Với Hà Nội, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC, TP Hà Nội ban hành Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành có liên quan đã tích cực triển khai các giải pháp thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động BHĐC tại địa bàn, nhằm đưa hoạt động BHĐC dần đi vào nề nếp.

Bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về quy định của pháp luật, dấu hiệu vi phạm trong hoạt động BHĐC gửi các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội; 9 tháng đầu năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 28 DN. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 19 DN và 05 cơ sở kinh doanh của DN với tổng số tiền phạt hành chính lên đến hơn 1,4 tỉ đồng.

Với sự vào cuộc sát sao của Sở Công Thương Hà Nội, cùng với các sở, ngành liên quan, nhận thức của người dân về BHĐC đã được nâng lên rõ rệt, theo đó số lượng DN và người tham gia BHĐC tại địa bàn Hà Nội cũng đã giảm đi.

Theo số liệu của Sở Công Thương, hoạt động BHĐC đến thời điểm tháng 11/2016 còn 34 DN, giảm 21 DN so với số liệu đầu năm 2016; số người tham gia BHĐC tại địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016 đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2015.

Cần đưa về đúng quỹ đạo

Việc mạnh tay xử lý các DN BHĐC vi phạm tôn chỉ mục đích hoạt động trong thời gian qua cho thấy, ngành Công Thương đã và đang có những động thái cụ thể nhằm chấn chỉnh hoạt động của loại hình kinh doanh này và nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người dân.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việt xiết chặt quản lý đối với những DN BHĐC là việc phải làm. Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền cho biết, BHĐC ở một số nước là một loại hình kinh doanh hoạt động công khai, lành mạnh và là hình thức kinh doanh “thông minh”.

Tuy nhiên, khi vào Việt Nam loại hình kinh doanh này bị một bộ phận những người kinh doanh hám lợi, tâng bốc và thổi phồng giá trị… khiến BHĐC bị biến tướng, không kinh doanh sản phẩm hàng hóa có giá trị sử dụng thực, mà biến thành một dạng đầu tư sản phẩm có giá trị sử dụng ảo (có những người tham gia nộp tiền nhưng không nhận hàng, lách luật bằng cách gửi hàng tại công ty) nhằm thu lợi nhuận cao và trở thành nỗi ám ảnh cho người dân khi tham gia.

Việc biến tướng kinh doanh BHĐC ở Việt Nam không phải bây giờ mới được đề cập đến, mà nó được thể hiện ngay ở những con số xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, trong việc rút giấy phép nhiều DN BHĐC trong thời gian qua. Trong số các DN kinh doanh đa cấp hiện đang hoạt động, có thể sẽ còn có thêm những DN bị rút giấy phép trong thời gian tới nếu không hoạt động, kinh doanh đúng tôn chỉ mục đích.

Việc làm sao để BHĐC thực sự trở về đúng quỹ đạo của nó và song hành cùng với các loại hình kinh doanh khác trong sự phát triển chung của nền kinh tế, hẳn không phải là câu chuyện một sớm, một chiều, mà cần phải có sự đóng góp của chính người dân trong việc thay đổi cách nghĩ, sáng suốt khi lựa chọn công ty hoạt động nghiêm túc để tham gia BHĐC, tìm hiểu và thực hiện đúng pháp luật.

Đánh giá về vấn đề trên, cũng như đưa ra kiến nghị về những giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh BHĐC trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tăng cường quản lý lĩnh vực này, cũng như tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh BHĐC, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm của DN BHĐC và rút giấy phép theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương cần phải tăng cường hơn nữa vấn đề quản lý, giám sát, xử lý vi phạm và kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BCT và các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động BHĐC.

Đồng thời, cần quy định tăng số tiền ký quỹ, bổ sung tiền ký quỹ theo tỷ lệ doanh thu của quý, 6 tháng của DN; các DN cần có bộ phận tự kiểm tra, kiểm soát đối với người tham gia BHĐC; buộc DN có hệ thống chia sẻ thông tin về BHĐC, sản phẩm, thủ lĩnh của DN để các cơ quan quản lý giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của các DN BHĐC từ Công ty cho đến thủ lĩnh (leader) của các nhóm hoạt động, nhằm tăng cường kiểm soát và xử lý kịp thời khi nhóm, nhánh hoạt động sai phạm.

“Tất cả những người này khi đã tham gia vào hoạt động BHĐC đều hiểu rất rõ họ đang làm gì và họ phải tự chịu trách nhiệm với chính mình khi tuyên truyền sai, hoặc có hoạt động kinh doanh không đúng quy định. Đối với người tham gia BHĐC cần tìm hiểu kỹ các quy định, nội dung tài liệu trước khi ký kết hợp đồng với DN, đặc biệt cần ý thức rõ về trách nhiệm đối với chữ ký của mình”- ông Nguyễn Thanh Hải cho hay.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ban-hang-da-cap-can-dua-ve-dung-quy-dao-45441.html