Bàn giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT

NDĐT - Hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo theo hình thức trực tuyến qua mạng về các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT tại sáu điểm cầu: Hà Nội, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội thảo.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2002- 2007, mỗi năm có khoảng hơn 400 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS không vào trung học phổ thông, đang học THPT thì bỏ giữa chừng, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, thi trượt cao đẳng và đại học. Hậu quả là một số lượng lớn thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo nghề và kể cả học văn hóa đã tạo ra sự lãng phí lớn cho xã hội đồng thời tác động đến tính hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo. Trong hệ thống giáo dục, những năm qua đã có một số chủ trương, chính sách và cơ chế thực hiện phân luồng học sinh, từ việc giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách đào tạo liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học cho đến việc phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS và THPT còn thấp, cơ chế thu hút học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học trung cấp dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp chưa đủ mạnh. Yêu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là rất lớn, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành trong thời gian tới phải triển khai thực hiện tốt hơn công tác phân luồng học sinh. Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, phân tích những tồn tại, bất cập trên cơ sở đó đề ra các giải pháp xác định cơ chế, chính sách hợp lý thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục góp phần giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng xuất phát từ nhu cầu xã hội và năng lực của người học cho nên cần tăng cường tuyên truyền, thông tin rõ hơn cho mọi người về hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Cần hình thành một chương trình tổng hợp để không chỉ những người làm công tác giáo dục và đào tạo mà là toàn xã hội tham gia công tác hướng nghiệp. Đồng thời, phải rà soát lại chương trình hướng nghiệp sao cho phù hợp với đặc điểm chung cũng như với đặc thù của từng địa phương trên cả nước. Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu, đào tạo có địa chỉ. Các cơ sở đào tạo phải công bố tỷ lệ học sinh học xong có việc làm. Do đó, các địa phương cần có danh sách các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hướng nghiệp với vai trò mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp. Mỗi cơ sở dạy nghề cần xác định danh sách doanh nghiệp, đơn vị là đối tác chiến lược ổn định lâu dài trong việc tiếp nhận nguồn nhân lực đã được đào tạo. Cần chuẩn hóa chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề và có cơ chế liên thông trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học nhằm tránh tư tưởng bằng cấp, phát triển hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp hợp lý. Bên cạnh đó, học sinh THCS học nghề cần được ưu đãi và vận động xây dựng quy hỗ trợ người học nghề, hỗ trợ trường đào tạo nghề. Đáng chú ý, ngay từ cấp học THCS, THPT, ngành giáo dục và đào tạo cũng như các trường, địa phương cũng cần đẩy mạnh đánh giá việc hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh đồng thời dự báo nhu cầu xã hội về đào tạo nghề để tăng quy mô với cơ cấu lý trong phát triển đào tạo nghề nghiệp nhằm tạo cơ hội phân luồng học sinh sau THCS và THPT hợp lý, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=156673&sub=74&top=41