Bản đồ thị trường khí gas thế giới đang thay đổi

Là nhiên liệu rẻ và sạch hơn than đá, LNG đang ngày càng được ưa chuộng ở những nền kinh tế mới nổi.

Khu vực Nam Á đang nổi lên thành “điểm nóng” của thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do nhu cầu năng lượng tăng mạnh, với Pakistan và Bangladesh mới gia nhập CLB những thị trường tiêu thụ lớn cùng với Ấn Độ, góp phần làm giảm mạnh lượng dư cung đã kéo dài suốt nhiều năm ở phân khúc năng lượng này.

Cho tới gần đây chỉ có Ấn Độ và Pakistan là những thị trường nhập khẩu LNG chủ chốt ở Nam Á. Nhưng do dân số tăng nhanh và kinh tế tăng trưởng mạnh kéo nhu cầu tăng lượng tăng theo, ngày càng có thêm nhiều dự án nhập khẩu khí gas, nhất là từ Pakistan và Bangladesh. Lượng nhập khẩu của riêng Ấn Độ và Pakistan trong năm 2016 đạt 25 triệu tấn, tương đương 8% tổng nhu cầu của toàn thế giới.

“Cả hai nước Pakistan và Bangladesh đều có hạ tầng cơ sở ngành khí gas khá tốt do sản xuất trong nước phát triển với nhiều mỏ khí lớn, nhưng sản lượng trong nước không theo kịp nhu cầu nên cả hai thị trường đều đang phải gia tăng nhập khẩu mới đáp ứng đủ nhu cầu”, Chong Zhi Xin, chuyên gia phân tích về thị trường LNG châu Á thuộc hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết.

Là nhiên liệu rẻ và sạch hơn than đá, LNG đang ngày càng được ưa chuộng ở những nền kinh tế mới nổi. Các nhà phân tích cho rằng, sau khi Banladesh gia nhập CLB những nhà nhập khẩu vào năm tới, khu vực này có thể nhập khẩu khoảng 80 đến 100 triệu tấn mỗi năm vào những năm 2020, đưa Nam Á trở thành khu vực nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, vượt lên cả châu Âu.

Pakistan mới bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2015 sau một thời gian trì hoãn trước đó, nhưng đã gây bất ngờ khi xây dựng nhà máy đầu tiên ngay sau đó, và nhà máy thứ 2 sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10 tới, nâng gấp đôi khối lượng nhập khẩu lên khoảng 9 triệu tấn; và tiếp đến nhà máy thứ 3 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Hiện Pakistan đang đàm phán với Nga, Indonesia, Malaysia và Oman về các hợp đồng liên chính phủ để nhập khẩu tới 3 chuyến LNG mõi tháng phục vụ nhà máy thứ 2 sắp đi vào hoạt động – nhà máy có thể cần nhập khẩu tới 600 triệu feet khối khí gas mỗi ngày, tương đương 6 chuyến tàu mỗi tháng.

Với tốc độ tăng mạnh tiêu thụ như hiện nay, tình trạng dư cung trên thị trường khí gas thế giới được kỳ vọng sẽ nhanh chóng giảm mạnh, kéo giá khí tăng trở lại. Được biết giá LNG trên thị trường châu Á đã giảm hơn 70% kể từ năm 2014 xuống còn khoảng 5 – 5,7 USD/mmBtu.

Pakistan tuyên bố họ có thể trở thành 1 trong 5 khách hàng nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Dầu khí nước này, ông Shahid Abbasi, dự báo khối lượng nhập khẩu có thể tăng gấp hơn 5 lần khi các công ty tư nhân xây dựng xong những nhà máy LNG mới. Theo ông, thị trường này có thể nhập khẩu tới 30 triệu tấn vào năm 2020, so với chỉ 4,5 triệu tấn hiện nay.

Bangladesh, quốc gia có 160 triệu dân, có thể nhập khẩu tới 2.500 triệu feet khối mỗi ngày, tương đương khoảng 17,5 triệu tấn mỗi năm vào 2020, theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Điện và Năng lượng nước này, ông Nasrul Hamid.

Do trữ lượng khí gas đang dần cạn kiệt và nhu cầu cần tăng gấp đôi công suất điện lên 24.000 megawatt (MW) vào năm 2021, Bangladesh đang hướng tới khai thác nguồn cung giá rẻ trên thị trường quốc tế và đầu tư mạnh vào ngành LNG.

Một số cơ sở kinh doanh và dự trữ, được xây dựng bởi công ty tư nhân Excelerate Energy của Mỹ, dự kiến sẽ bắt đầu nhập khẩu khí gas bằng tàu biển kể từ 2018, vào khoảng tháng 7.

“Đến 2025, tùy thuộc vào nhu cầu trong nước, chúng tôi sẽ cần nhập khẩu khoảng 2.000 đến 2.500 triệu feet khối mỗi ngày”, ông Hamid cho biết.

Như vậy, ở thời điểm 2025, Ấn Độ sẽ cần nhập khẩu khoảng 50 triệu tấn LNG mỗi năm, trong khi Pakistan nhập khoảng 30 triệu tấn và Bangladesh nhập gần 20 triệu tấn.

“Nhập khẩu LNG vào Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần từ mức 22 triệu tấn mỗi năm vào 2016 lên trên 80 triệu tấn mỗi năm vào 2030”, Mangesh Patankar, giám đốc kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn tư vấn năng lượng Galway Group cho biết.

Nếu tất cả các kế hoạch nhập khẩu của khu vực này đều được thực hiện, và Sri Lanka cũng bắt đầu nhập khẩu, con số này có thể tăng lên 100 triệu tấn hoặc hơn thế nữa. Và khi đó nhu cầu của Nam Á sẽ vượt cả châu Ấu và trở thành khu vực nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới vào 2020, chỉ sau Bắc Á – nơi nhập khẩu 150 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng những kế hoạch đầy tham vọng đó sẽ trở thành hiện thực.

“Đó chắc chắn sẽ là một mục tiêu quá tham vọng. Trung Quốc phải mất hơn 10 năm mới tăng nhập khẩu từ số 0 lên 20 triệu tấn, Ấn Độ cũng phải mất 13 năm mới đạt khối lượng đó”, ông Chong Zhi Xin cho biết.

Theo ông, giá khí gas thấp cũng là lý do khiến nhập khẩu vào những thị trường này tăng mạnh. Nhưng nếu giá tăng lên thì việc thanh toán hóa đơn khổng lồ đó sẽ là vấn đề lớn đối với những nền kinh tế này.

Tuy nhiên, ông cũng có niềm tin rằng để đáp ứng nhu cầu tăng thì LNG sẽ là một phần trong những kế hoạch lớn hơn. Chẳng hạn như thăm dò mỏ khí ở Vịnh Bengal, hay những lưới điện xuyên quốc gia.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ban-do-thi-truong-khi-gas-the-gioi-dang-thay-doi-20170807030428333p4c150.news