Bản của... một nhà

Ông Tòa - già làng, trưởng bản Đoòng ề à nói: "Mấy bữa nay có mấy nhà ở các bản khác xin đến ở tại đây. Nhưng mà không được mô. Về ở đông người, ruộng rẫy không có lấy cái chi mà ăn...

Trước tết, huyện cho cả bản hai tấn gạo ăn tới chừ. Hồi trước đi từ bản ra đường cái (nhánh Tây - đường Hồ Chí Minh) thì chỉ hơn giờ đồng hồ thôi. Nhưng bây giờ thì cái chân không còn khỏe nên khó lắm".

Toàn anh em một nhà

Từ cột mốc cây số 0 của đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) ở xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), đi thêm 35km nữa là đến điểm dừng. Từ đó rẽ phải xuống một con dốc khá dài là bắt đầu đi xuống bản Đoòng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch).

Đường đến với bản Đoòng

Xuống rồi lên, qua mấy con dốc, lội qua mấy chặng suối, vài lượt nghỉ chân để lấy sức là đến nơi. Bản Đoòng nằm ở một thung lũng nhỏ, cách trung tâm huyện 75 cây số và cách trụ sở xã Tân Trạch 50 cây số. Khu vực này thuộc địa giới hành chính của xã Tân Trạch và nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Già làng vừa là trưởng bản (có tên gọi là Nguyễn Sỹ Trắc, sau khi lấy vợ sinh con trai đặt tên là Nguyễn Sỹ Tòa thì mọi người chuyển sang gọi tên của ông là ông Tòa hay bố Tòa), ngồi trong ngôi nhà rách đun nồi bắp luộc. Thấy có khách, ông vồn vã chuyện trò rồi cứ một mực "bắt" mọi người lên nhà trên nói chuyện thêm.

"Bản này có được 27 tuổi rồi đó. Hồi đó, tui với 4 người nữa đến khai khẩn lập làng này. Bây giờ chỉ còn tui thôi, mấy ông nớ chết hết rồi, mồ mả có bên kia núi", già Tòa bắt đầu câu chuyện.

Gốc tích từ Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), mấy đời trước phiêu bạt lên vùng núi dân tộc Vân Kiều, rồi khi đến thế hệ của ông Tòa thì đã trở thành người Vân Kiều thứ thiệt. Điều khác biệt duy nhất đó là mọi người Vân Kiều đều mang họ Hồ, chỉ có anh em, con cháu của ông là mang họ Nguyễn. Cũng đến lập bản Đoòng, nhưng cũng chỉ có nhánh gia đình già Tòa là duy trì và phát triển. Những ông còn lại thì chỉ được một đời.

Già Tòa: "Mới làm lễ cúng hết gần 50 triệu đồng"

Lúc đông nhất, bản có 17 hộ, nhưng sau này một số hộ đã di dời đi ở nơi khác nên chỉ còn lại 10 hộ với 42 nhân khẩu. Bản duy nhất chỉ có gia đình Hồ Nhỏ vừa mới ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) di cư về, còn lại là con cháu của già làng. Vợ chồng già có 5 con trai và 3 con gái.

Người con gái đầu và con trai Nguyễn Văn Tòa có gia đình ở tại xã Trường Sơn, còn lại thì làm nhà ở quây quần trong bản. Người con trai út Nguyễn Văn Chạn, bố mẹ đẻ mất sớm nên già đưa về nuôi cũng làm nhà sát bên. Khi lập làng được khoảng 10 năm thì anh trai già là Nguyễn Sỹ Hiền đưa gia đình từ bên Lào về nhập bản.

Nhà ông Hiền có 3 con là Nguyễn Văn Triều, Nguyễn Thị Chiều và Nguyễn Văn Ninh. Ninh lập gia đình và ở bên bản A Rem, Triều ở trong nhà với ông Hiền. Mười ngôi nhà sàn chỉ có nhà già làng và con trai già Nguyễn Văn Tường là vững chắc, còn lại trong cảnh tạm bợ rách nát. "Có năm lũ về cuốn trôi hết nhà cửa. Năm trước lũ cũng lớn ngập chết hết trâu bò", già làng kể lại.

Mấy tháng trước, bản tổ chức lễ "tả ra dốp" (như là lễ tảo mộ của miền xuôi) to lắm. "Từ hồi lập bản đến chừ mới làm đó. Làm trâu, làm bò và gà heo nhiều lắm. Mọi người ăn uống đến hai ngày mà", già làng khoe.

Cũng theo già kể, họ Nguyễn ở các bản khác cũng được mời về dự và đóng góp mỗi nhà 2,5 triệu đồng. "Tất cả có 18 nhà, ai cũng phải đóng đậu. Không có cũng phải vay mượn cho có. Cũng để xin ông bà cho cái sức, cho cái mà ăn chớ", già vừa kể như vừa an ủi mình.

Cũng vì đi mời họ hàng dự lễ mà anh Ninh con ông Hiền đột tử ở nhà người khác. Ông Hiền ngồi lặng như cột nhà ở sát cửa sổ giọng rầu rầu kể lại: "Nó chết mà phải để vậy, chờ cho làm xong lễ "tả ra dốp" mới đưa đi chôn. Cũng chôn ở bên đó luôn chớ không đưa về bản".

Một ngôi nhà ở bản

Sau khi anh Ninh chết, đứa con gái chưa đầy tuổi được đưa về cho anh Triều nuôi. Suốt ngày, chị Phươn (vợ anh Triều) phải địu cháu trên lưng. Chị Phươn người dân tộc A Rưn, lấy chồng về ở đây cũng chẳng biết mình được mấy tuổi, chỉ biết thằng cu Chẹn đầu lòng năm nay học lớp 7. Góc sân nhà, con chó sen nằm lết rên ư ử.

Chị Phươn đến ngồi cạnh, vuốt ve nó rồi kể: "Hôm qua, heo rừng về phá rẫy sắn, đàn chó vây sủa. Con chó nhà bị heo rừng đớp cho mấy cái liệt chân rồi đó". Cu Chẹn hôm nay nghỉ học nên lên rừng chặt củi. Gần trưa, Chẹn vác bó củi to và cao hơn cả người mình về. Cách nhà còn vài chục bước chân nhưng củi to và nặng quá nên đành vứt xuống, đứng thở dốc.

Hú chó săn thú rừng

Theo già Tòa, trước đây, con khe Ba Giàn chạy ôm qua bản nên già huy động con cháu ngăn khe lấy nước làm được gần 2ha ruộng lúa.

Già bảo: "Sau khi làm đường cái lớn trên đó, đất đá bị mưa lũ cuốn về làm cho con khe "lặn" xuống dưới đất. Hết nước nên ruộng thành hoang hóa không trồng trọt chi được, chỉ có cây lau, cây gai mọc thôi. Bản mong chờ trên huyện chi tiền để làm ống dẫn nước từ trên cao xuống thì mới làm được lúa". Không làm lúa, dân bản trồng được mấy vạt sắn, ngô. Tôi hỏi già sao không trồng thêm. Già Tòa lúc lắc đầu: "Trồng nhiều ăn cũng không hết. Mà cũng không ăn sắn thay cơm nhiều ngày được". Khi hết gạo, già lại báo lên xã để xin huyện đưa gạo về cứu trợ.

Vài ngày, đàn ông trong bản hú gọi bầy chó vào rừng săn thú. Dân bản không hề sử dụng bẫy hay tên nỏ. Chỉ có bầy chó rượt đuổi, bao vây con mồi. Người hét, chó đuổi, cho đến khi con thú kiệt sức thì bắt về làm thịt.

Nhà Nguyễn Văn Tường (con trai già Tòa) ở đầu bản. Sáng, Tường đi về con suối xa để bắt cá. Gần trưa, Tường về mang theo mớ cá nhỏ. Tường bảo: "Rứa là đủ ăn bữa trưa, bữa tối rồi. Đủ cái thức ăn trong ngày là về thôi". Vợ Tường ngồi ở bếp đun nồi nước lá rừng nói chêm: "Ở đây không bắt cá nhiều về đâu. Bắt nhiều thì mai tê lấy cá mô mà bắt nữa. Cán bộ Vườn (kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) dặn rồi cấm không được bắt cá mang đi bán. Cũng chỉ bắt bằng lưới, bằng tay thôi chớ không được dùng bả, dùng cây thuốc".

Trẻ em bản Đoòng

Năm ngoái, có doanh nghiệp hỗ trợ cho bản hệ thống ống nhựa dẻo dẫn nước từ suối cao về. Cứ mở khóa ra là nước chảy xối xả. Bốn đứa con nhà Tường khoái lắm, cứ thay nhau mở khóa chơi. Chúng cứ tranh nhau chỉa vòi nước xịt lên người ướt lướt thướt, mẹ nó nhìn cũng cười hùa theo.

Do bản Đoòng nằm giữa vùng lõi Di sản nên chính quyền cũng đã nhiều lần lên phương án di dời bà con đi nơi khác để có điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, chuyện bà con đi hay ở bắt đầu đưa ra từ năm 2009 cho đến nay vẫn cứ nằm trên giấy...

Hơn ba giờ đồng hồ xuyên rừng, vượt thêm con dốc cuối cùng của chuyến đi. Thêm một lần hò hôi mướt mát nữa thì chúng tôi đặt chân lên đường cái lớn. Một trận gió tràn qua cây rừng nghe xàn xạt. Một trận mưa rừng lớn đang ầm ập đuổi phía sau lưng.

Lớp học đặc biệt

Mấy năm gần đây, huyện Bố Trạch chỉ đạo giáo viên cắm bản để dạy chữ cho con em trong bản. Lớp học có 8 đứa trẻ được chia làm ba lớp học chung một phòng. Trong đó có bốn em học lớp 7, ba em học lớp 5 và một em học lớp 1. Có ba giáo viên thay nhau vào dạy chữ cho các em.

Thầy giáo Hoàng Văn Sáu cho hay: “Phải gom lại như vậy các em mới chịu học. Phương pháp dạy thì chúng tôi cứ chia thời gian dạy chữ cho lớp 1, rồi tập làm văn cho lớp 5, lại quay đến dạy toán lớp 7".

TÂM PHÙNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ban-cua-mot-nha-post192081.html