Bán cơm, bán hủ tíu cũng mắc… liên cầu lợn

Chỉ lo bán cơm, bán hủ tiếu kiếm sống qua ngày mà nhiều người cũng bị mắc bệnh liên cầu lợn.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ghi nhận, trong năm 2016 có đến 15 người mắc bệnh liên cầu lợn. Đáng chú ý, không chỉ những người làm nghề bán thịt, giết mổ mới nhiễm liên cầu lợn, trong số 15 ca mắc bệnh, có người làm nghề bán cơm, bán hủ tíu và nội trợ cũng mắc bệnh.

Với 15 người mắc, số ca mắc liên cầu lợn của năm 2016 tăng 200% so với năm 2015 (5 ca). Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho rằng, tuy không ghi nhận nhiều trường hợp tử vong so với năm 2015, song, biến chứng để lại của những người mắc bệnh không hề nhỏ.

10 người đã bị điếc

Biến chứng giảm thính giác, điếc sau khi khỏi bệnh là một trong những biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Trong số 15 ca mắc ở TPHCM có đến 10 bệnh nhân để lại biến chứng này.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, trong năm 2016 cả nước ghi nhận 90 ca bệnh liên cầu lợn. Đây là bệnh thường tăng vào dịp trước và sau Tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng cao. Bệnh ít người mắc song tỷ lệ ca nặng, tử vong rất cao. Hà Nội năm qua ghi nhận hơn 10 ca bệnh thì một người tử vong, nhiều người bị di chứng nặng nề…

Một bệnh nhân bị mắc bệnh liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Nhiều người nghĩ rằng phải ăn tiết canh của lợn bệnh hay tiếp xúc với lợn bệnh mới nhiễm bệnh. Có người cho rằng ăn heo bệnh rồi uống rượu sẽ không sao vì rượu “diệt được vi khuẩn liên cầu”. Tuy nhiên, theo Cục Y tế Dự phòng , Bộ Y tế thì đây là quan điểm vô cùng sai lầm.

Bởi liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ heo. Bệnh có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết của heo, ăn sản phẩm từ lợn chưa nấu chín kỹ, đặc biệt là tiết canh. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.

Thực tế, ghi nhận tại TPHCM, người mắc bệnh đa phần làm nghề giết mổ, buôn bán thịt heo. Song, cũng có những người làm nghề bán cơm, bán hủ tíu, nội trợ. Thậm chí, có đến 4 người không có dịch tễ rõ ràng, tức là không xác định được vấn đề tiếp xúc với thịt heo.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo, để kiểm soát tốt nguồn bệnh, cũng như hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ tử vong và biến chứng của bệnh cần kiểm soát bệnh trên lợn bằng cách phối hợp với ngành thú y kiểm soát nguồn bệnh trên heo.

Bên cạnh đó, chính quyền cần kiểm soát được việc chăn nuôi và giết mổ heo; tăng cường truyền thông về bệnh lây từ động vật sang người. Đặc biệt là chú trọng bệnh liên cầu lợn. Những người nghỉ hưu cũng cần được truyền thông về bệnh này để phòng tránh.

Xuân Anh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/ban-com-ban-hu-tiu-cung-mac-lien-cau-lon-91819/