Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam - Niềm tự hào của ngành Cơ yếu Việt Nam

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã giành thắng lợi, nhưng miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của thực dân và tay sai. Cuối năm 1954, bộ phận Cơ yếu Xứ ủy Nam Bộ được hình thành.

Trong hoàn cảnh phải hoạt động trong lòng địch, cán bộ, nhân viên cơ yếu đã khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy Nam Bộ; trong đó có nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng như: “Đề cương đường lối cách mạng miền Nam” của đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ; Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà; Chỉ thị “Đồng khởi” của Xứ ủy Nam Bộ…

Trước yêu cầu thực tiễn của cách mạng miền Nam, tháng 8-1961, tại Mã Đà, Chiến khu Đ, Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam được thành lập (trên cơ sở tổ chức Cơ yếu của Xứ ủy Nam Bộ) với hơn 10 cán bộ, nhân viên; đồng chí Nguyễn Văn Hằng được cử làm Trưởng ban, đồng chí Trần Tiến Liên và Nguyễn Hoàng là Phó trưởng ban. Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam là một ban chuyên môn của Trung ương Cục đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Ban Cơ yếu Trung ương (nay là Ban Cơ yếu Chính phủ), có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Trung ương Cục về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu, nghiên cứu, sáng chế và cung cấp luật mật mã, tài liệu kỹ thuật, đào tạo và bổ túc nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên cơ yếu, bảo đảm tuyệt đối bí mật, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang (LLVT), lực lượng an ninh và các ngành, các cấp; đồng thời thông qua các cơ quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu và tổ chức cơ yếu chỉ đạo kỹ thuật nghiệp vụ cơ yếu toàn miền Nam.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam (hàng đầu, thứ 4 từ phải sang) với các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết công tác Cơ yếu B2, lần thứ nhất (năm 1973). Ảnh tư liệu

Cuối năm 1961, Ban Cơ yếu thống nhất Khu 5, Khu 6, Khu 10, miền Đông Nam Bộ, miền Trung Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ được thành lập. Hệ thống liên lạc cơ yếu trên chiến trường Nam Bộ cũng được kiện toàn, củng cố, hình thành 3 tuyến: Hệ Cơ yếu Đảng, hệ Cơ yếu quân sự và hệ Cơ yếu an ninh.

Tháng 9-1963, Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam đã huy động toàn lực lượng phục vụ công tác chống phá ấp chiến lược. Từ giữa năm 1965, khi đế quốc Mỹ trực tiếp tham chiến, quân chủ lực miền Nam ra đời, lực lượng Cơ yếu thuộc các đơn vị chủ lực được hình thành. Từ tháng 9 đến tháng 11-1965, Phòng Mã dịch điện báo được thành lập để phục vụ Văn phòng Trung ương Cục, gần cơ quan Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy trong tình hình mới. Để phục vụ yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin, nhiều tổ chức cơ yếu và các mạng cơ yếu được thành lập như: Ban Cơ yếu Sư đoàn 5, Sư đoàn 9, Ban Cơ yếu tình báo quân sự Miền; mạng cơ yếu hậu cần thuộc Bộ tư lệnh Miền.

Trong thời kỳ chống “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, lực lượng cơ yếu đã có bước phát triển mạnh về tổ chức. Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam đã tập trung tuyển chọn, đào tạo tại chỗ; kết hợp với chi viện từ miền Bắc hình thành hệ thống cơ yếu từ Trung ương Cục đến các đơn vị cơ sở với hàng nghìn cán bộ, nhân viên. Công tác nghiên cứu, phát triển kỹ thuật mật mã có những bước tiến hết sức cơ bản, tốc độ phát triển mạng liên lạc cơ yếu tăng hơn 200%, lượng điện mật tăng gần 130%; từng bước chuyển đổi kỹ thuật theo chủ trương của Ban Cơ yếu Trung ương, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đưa cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới.

Ngày 22-6-1967, Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam mở mạng liên lạc với cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đặt ở Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết, chỉ đạo: “Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa”, lực lượng cơ yếu tập trung lực lượng, sắp xếp bố trí cán bộ, tài liệu kỹ thuật tại 6 phân khu trong Khu trọng điểm để phục vụ Trung ương Cục chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Trong suốt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Phòng Mã dịch điện báo luôn theo sát Văn phòng Trung ương Cục và Quân ủy Miền, làm việc không kể ngày đêm, nhiều cán bộ, nhân viên Cơ yếu đã dũng cảm hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt lớn, buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược, mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia. Cơ yếu miền Nam bước vào một giai đoạn cam go, quyết liệt. Do yêu cầu của chiến trường, Ban Cơ yếu Trung ương Cục miền Nam phát triển mạnh về số lượng, đến cuối năm 1970 đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ cơ yếu; mã, dịch gần 1,2 triệu bức điện. Trong thời kỳ Mỹ-ngụy thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, lực lượng cơ yếu của ta đã tổ chức các mạng liên lạc, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các tổ chức cơ yếu bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trong các trận đánh của toàn chiến dịch.

Đầu năm 1975, cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng. Để bảo đảm yêu cầu công tác lãnh đạo trong tình hình mới, các tổ chức cơ yếu đã làm việc không quản ngày đêm; mã, dịch truyền đạt đến các địa phương, đơn vị quyết tâm thực hiện chiến lược của Bộ Chính trị và Trung ương Cục. Trong đó, đã mã, dịch bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 7-4-1975, gửi Bộ tư lệnh Đoàn 559 và các quân đoàn, các quân chủng, binh chủng khi đang trên đường hành quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết thắng và toàn thắng”; và bức điện ngày 18-4-1975 của đồng chí Lê Duẩn, thay mặt Bộ Chính trị điện gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thời cơ quân sự chính trị để mở cuộc tấn công vào Sài Gòn đã chín muồi, cần phát triển trên các hướng, không để chậm…”. Ngay sau đó, Bộ tư lệnh các quân chủng, binh chủng, quân đoàn… và sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Tà Thiết (thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã nhận được mệnh lệnh và kịp thời triển khai nhiệm vụ.

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Phòng Cơ yếu Bộ tư lệnh Miền đảm nhiệm công tác cơ yếu trên mặt trận này với hơn 1.800 đồng chí, gần 1.700 đầu mối liên lạc, sử dụng hơn 150 loại kỹ thuật. Từ các mặt trận, các tổ chức cơ yếu chuyển hóa mau lẹ, ngày đêm bảo đảm phục vụ chỉ huy chiến đấu, hiệp đồng trên từng hướng, từng cánh quân, tổ chức nghi binh đánh lừa địch…, đáp ứng yêu cầu nội dung thông tin bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp, vượt cấp, hiệp đồng giữa các đơn vị trong toàn chiến dịch.

Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đánh giá về thành tích của ngành Cơ yếu Việt Nam, trong đó có Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam, tại Hội nghị cán bộ Cơ yếu toàn quốc năm 1978, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “... Trong mấy chục năm qua, chúng ta đánh giặc, chúng ta nắm chắc được và biết chắc được là những lúc quan trọng nhất, những vấn đề bí mật nhất của ta đều không bị lộ, các đồng chí đã góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ bí mật, vào sức mạnh chung để giành thắng lợi....”.

Trải qua 21 năm kể từ khi Cơ yếu Xứ ủy Nam Bộ ra đời cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Ban Cơ yếu Trung ương, đặc biệt là được nhân dân hết lòng yêu thương, che chở, giúp đỡ, cán bộ, nhân viên cơ yếu đã vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, sẵn sàng hy sinh thân mình; dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước, LLVT trong điều kiện chiến tranh ác liệt; đồng thời đối phó có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn thu tin, mã thám của địch. Đã chủ động tham mưu cho Trung ương Cục ban hành nhiều văn bản, chỉ thị quan trọng, tạo cơ sở cho việc xây dựng, phát triển công tác cơ yếu miền Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên chiến trường, cán bộ, nhân viên cơ yếu vừa chủ động bảo vệ an toàn tài liệu kỹ thuật mật mã; vừa cầm súng dũng cảm chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch. Có đồng chí bị sa vào tay địch, mặc dù kẻ thù dùng mọi biện pháp mua chuộc, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng một dạ trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân.

Với những thành tích xuất sắc, Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất (năm 1965), Huân chương Thành đồng (năm 1968). Nhiều tổ chức cơ yếu trực thuộc, như: Cơ yếu T4 (Sài Gòn-Gia Định), Cơ yếu Quân khu 7, Cơ yếu Quân khu 9, Cơ yếu các tỉnh: Vĩnh Long, Quảng-Đà, Long An, Bến Tre... được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Liệt sĩ Nguyễn Văn Giai được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; nhiều cá nhân được truy tặng Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công các hạng, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ… Ngày 18-2-2017, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 298/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam.

Những phần thưởng cao quý đó cùng với Huân chương Sao Vàng (năm 2005), hai Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985 và 2015) của ngành Cơ yếu Việt Nam là những đánh giá, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam, của Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam qua các thời kỳ. Đó cũng là sự cổ vũ, động viên to lớn để ngành Cơ yếu Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách, phát huy truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo”, tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thiếu tướng ĐẶNG VŨ SƠN, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ban-co-yeu-thong-nhat-trung-uong-cuc-mien-nam-niem-tu-hao-cua-nganh-co-yeu-viet-nam-507455