Bạn có biết một con chim có thể bay cao đến mức nào không?

100m, 1000m, hay 10.000m? Độ cao mà cánh chim có thể chinh phục sẽ khiến bạn giật mình.

Ước mơ bay lên bầu trời luôn là khát vọng của con người, kể cả khi đã nghĩ ra máy bay đi chăng nữa. Bởi vì dẫu sao, cái cảm giác được tự do tung cánh, thích bay đi đâu thì bay như những loài chim hẳn là phải thú vị lắm.

Vậy có bao giờ bản thắc mắc tại sao loài chim lại có khả năng đó hay chưa? Hơn nữa, việc chim di trú có thể bay xa hàng ngàn cây số thì ai cũng rõ, nhưng chúng có thể bay cao đến mức nào, liệu có ai hiểu rõ?

Những chú chim có thể bay cao đến mức nào?

Theo một báo cáo năm 1974, kỷ lục bay cao nhất trên thế giới thuộc về loài kền kền hung đầu trắng Rüppell (Trung Phi) với độ cao lên tới 11.278m. Sở dĩ có chuyện này là do một máy bay đã tình cờ phát hiện ra chúng khi bay ở độ cao khủng khiếp đó.

Theo Graham Scott - Phó giáo sư Sinh học thuộc ĐH Mc Master (Canada) thì vào thời điểm di cư, những loài chim di trú thông thường có thể đạt từ 3000m - 4000m.

Không chỉ thế, nơi cư trú của chúng cũng cao hơn 4000m so với mực nước biển. Thậm chí, theo một nghiên cứu được đăng trên tờ báo Experimental Biology, những con số trên đây chỉ ở mức trung bình, hiện nay còn có nhiều loài chim có thể đạt được độ cao lớn hơn thế.

Kền kền hung đầu trắng - loài chim bay cao nhất thế giới

Theo Scott, những loài chim có kích thước nhỏ như chim sẻ và chim ruồi ở dãy Alpine (An-pơ) có thể bay ở độ cao 5000m.

Hay như kền kền Nam Mỹ - loài chim còn được mệnh danh là thần ưng Andes lướt trong không khí ở độ cao 5.500m. Hoặc như ngỗng đầu sọc châu Á thậm chí còn đạt được độ cao 7.290m so với mực nước biển.

Cao hơn và xa hơn nữa

Con người lúc nào cũng ganh tỵ và mong muốn được sải cánh trên bầu trời như loài chim. Thế nhưng, để nhìn mặt đất từ độ cao hàng nghìn mét, chúng ta phải chống chọi được với cái lạnh và sự thiếu oxy - điều mà khả năng con người là không thể. Vậy bằng cách nào, các loài chim này có thể chạm đến những độ cao khác thường như vậy?

Đầu tiên, các loài chim bay cao thường có một điểm chung là tỉ lệ sải cánh với thân mình lớn hơn khi được so sánh với những loài chim bay thấp hơn.

Để bay cao, chúng cần một sải cánh rộng

Scott chia sẻ: "Đó là điều mà ai trong chúng ta cũng chắc chắn nhận thấy. Những đôi cánh dài hơn rất có ích cho việc nâng cơ thể và giữ chúng ở trên cao. Và dĩ nhiên, để nâng được những đôi cánh dài đó, bản thân chúng phải chịu khó khăn rất lớn".

Thực vậy, chúng phải chịu ít nhất là 2 thử thách. Đầu tiên, càng bay cao, điều kiện không khí càng loãng, lượng oxi càng ít.

Vì vậy, chúng càng phải đập cánh nhanh hơn để duy trì được độ cao vốn có, từ đó khiến quá trình trao đổi chất diễn ra gấp rút hơn.

Một đàn ngỗng đầu sọc đang di cư

Thử thách thứ hai là sự giảm nhanh của nhiệt độ khiến những chú chim phải hoạt động hết sức để giữ ấm cho cơ thể. Đồng thời khi không khí trở nên khô hơn, cơ thể chúng càng dễ mất nước từ việc hít thở và hô hấp.

Theo Charles Bishop, một giảng viên ngành động vật học tại ĐH Bangor (Anh), cơ thể những loài chim phải thay đổi rất nhiều để thích ứng với độ cao khác thường như vậy.

Những loài chim di trú có thể bay ở độ cao lên tới 7000-8000m

Chẳng hạn như cơ thể loài ngỗng trời có khả năng chống lại chứng say độ cao, xuất huyết não hay phù phổi, điều giúp chúng có thể tự do bay trên bầu trời ở hàng nghìn mét so với mức nước biển.

Ngoài ra, những loài ngỗng trời còn có xu hướng thở nhanh hơn để lấy oxi khi đang bay nhằm tăng lượng kiềm trong hàm lượng máu.

Tại sao lại tăng lượng kiềm? Ở người, sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến sự tuần hoàn não khiến chúng ta cảm thấy chóng mặt và bất tỉnh. Thế nhưng, loài ngỗng trời được sinh ra để chịu được độ pH cao (tình trạng kiềm trong cơ thể). Vì vậy, lưu lượng máu đến não chẳng những không gây hại mà còn giúp chúng khỏe hơn.

Bạn thấy không, tạo hóa đã giúp những loài chim có một cơ thể hoàn hảo như vậy đó.

Nguồn: LiveScience

Theo Bảo Châu / Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/ban-co-biet-mot-con-chim-co-the-bay-cao-den-muc-nao-khong-20160730220037474.chn